Giúp nhau thoát nghèo

Đến thăm khu phố 13 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM), chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện về tình tương trợ, giúp nhau thoát nghèo.
Giúp nhau thoát nghèo

Đến thăm khu phố 13 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM), chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện về tình tương trợ, giúp nhau thoát nghèo.

Giúp “cần câu” kiếm sống

Ông Phạm Văn Đồng, Trưởng khu phố 13, kể vanh vách 19 hộ thuộc diện nghèo và 19 hộ cận nghèo trong khu phố. Ông kể tỉ mỉ hoàn cảnh của từng hộ trước đây thế nào, hiện đã thay đổi ra sao. Ông Đồng nói: “Khu dân cư này trước đây là vùng nông thôn, cư dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Từ khi đô thị hóa, không còn sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ mất phương hướng vì không có nghề nghiệp nên trở thành hộ nghèo. Một số hộ khác lâm vào cảnh nghèo vì nhà có người đau bệnh, mất sức lao động. Giờ thì ổn cả rồi!”.

Gia đình cụ Phạm Thị Của thoát nghèo nhờ được hỗ trợ xây nhà tình thương ngăn phòng cho thuê.

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Lương Văn Phong (ngụ 592/12A Hồ Học Lãm) là hộ thuộc diện nghèo ở khu phố 13, nay đã có thu nhập ổn định. Anh Phong đau yếu, mất sức lao động, thu nhập của gia đình chỉ trông vào việc vợ anh nhận giữ vài ba đứa trẻ, thu nhập chừng 1 triệu đồng/tháng. Năm 2013 anh Phong chủ động tìm hiểu một số mô hình làm ăn của người quen. Khi mô hình nuôi nhím kiểng đang được ưa chuộng, vốn đầu tư ít mà cho thu nhập ổn định, anh đề xuất vay vốn để thực hiện mô hình này. Được phường quan tâm giúp đỡ, từ 3 triệu đồng tiền vốn, anh mua 6 nhím giống, chỉ sau 10 tháng triển khai, nay anh đã nhân được 13 con giống và trung bình 2 tháng xuất một lứa từ 15 - 20 con, thu nhập trên 5 triệu đồng. Anh Phong chia sẻ: “Vợ tôi cũng yếu nên chỉ trông được 2 - 3 đứa trẻ thôi, với lại trong xóm với nhau nên công giữ trẻ không lấy cao được, lo cho các cháu ăn học nữa nên tháng nào gia đình tôi cũng thiếu trước hụt sau, vay mượn ăn từng ngày. Giờ dù chưa dư dả nhưng khéo thu vén nên cũng đủ chi tiêu”. Hiện anh Phong còn hướng dẫn cho một số hộ khác có dự định nuôi nhím kiểng để cùng nhau vượt nghèo, tăng thu nhập.

Trong khu phố có hộ của cụ Phạm Thị Của (ngụ 518/2 Hồ Học Lãm) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cụ đã 79 tuổi, còn các thành viên khác trong hộ cũng không ai đủ sức khỏe để làm kinh tế. Với tài sản duy nhất là căn nhà cấp 4 cũ kỹ, cụ ngăn phân nửa cho mấy người buôn bán ve chai thuê, để có mấy trăm ngàn đồng mỗi tháng. Khoản thu nhập ít ỏi đó không đủ lo cơm ăn cho 3 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học và 2 anh con trai đau ốm liên miên, hàng ngày phải uống thuốc hỗ trợ thần kinh. Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng hàng ngày cụ Của phải đi lượm ve chai để kiếm thêm ít tiền mua gạo, mua rau. Trăn trở với cảnh khổ của gia đình cụ Của, cán bộ phường và ban điều hành khu phố 13 đã tìm cách giúp gia đình cụ thoát nghèo, và chọn phương án tối ưu nhất là giúp cất lại nhà và ngăn thành phòng trọ khang trang hơn để tăng thu nhập. Ngoài 50 triệu đồng vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo và 25 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình cụ Của còn được bà con trong khu phố giúp công thợ. Tháng 7-2013, gia đình cụ Của đã có căn nhà mới với 7 phòng cho thuê, nhờ vậy mỗi tháng có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng. Trang trải chi phí sinh hoạt, mỗi tháng cụ Của trả nợ vay 2 triệu đồng, đến nay đã hoàn 42 triệu đồng tiền vốn vay của quỹ xóa đói giảm nghèo.

Một số hộ nghèo khác trong khu phố cũng được vay quỹ xóa đói giảm nghèo và thoát nghèo nhờ có chiếc máy may, xe hủ tiếu, mở tiệm tạp hóa…

Thoát nghèo căn cơ

Anh Trần Anh Duy, cán bộ chuyên trách giảm hộ nghèo của phường Bình Trị Đông B, cho biết: “Điều đáng lo ngại là nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng vì lý do chưa căn cơ mà lại lâm cảnh nghèo. Do đó suốt mấy năm qua, phường cùng ban điều hành khu phố luôn theo dõi sát sao từng hộ có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và kịp thời hỗ trợ họ vượt khó. Ngoài ra, phường cũng thực hiện tốt việc rà soát các hộ nghèo để hỗ trợ kịp thời về bảo hiểm y tế, tặng học bổng cho học sinh nghèo, tặng quà cho người nghèo và người cao tuổi khó khăn để giúp các gia đình thoát nghèo bền vững. Đáng quý là sự tương thân tương ái của cư dân cùng khu phố”. Mà thật vậy, tại khu phố 13, bên cạnh các mạnh thường quân chung tay cùng chính quyền địa phương chăm lo giúp các hộ thoát nghèo, còn có nhiều người giúp đỡ trực tiếp để các hộ mới thoát nghèo không bị đuối sức. Hàng tháng, ông Nguyễn Văn Hỉ (ngụ 576 Hồ Học Lãm) tặng 10kg gạo và 500.000 đồng giúp gia đình cụ Của yên tâm trả nợ số vốn đã vay và chờ thời gian ổn định khách thuê trọ. Nhờ vậy, dù mỗi đợt sau tết, lượng khách thuê trọ giảm nhưng gia đình cụ Của vẫn ổn định cuộc sống.

Từ một khu dân cư có nhiều hộ nghèo, nay khu phố 13 đã được quận Bình Tân và TPHCM công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn của TPHCM giai đoạn 2014 - 2015.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục