Tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm… đã và đang đe dọa nguồn nước (chủ yếu từ sông Sài Gòn và Đồng Nai) cung ứng cho khoảng 10 triệu người dân TPHCM. Trước khó khăn, thách thức này, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng tìm cách gỡ rối cho việc cung ứng nguồn nước sinh hoạt sạch. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh tới yếu tố phát triển bền vững dựa vào phương pháp tối ưu hóa tận dụng tài nguyên.
Vành đai xanh đa chức năng
Ông Rik Dierx, Giám đốc dự án Công ty Vitens Evides International tại Việt Nam, cảnh báo từ đầu năm 2016 đến nay, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã phải ngưng lấy nước thô khoảng 5 lần do độ mặn của nước vượt quá tiêu chuẩn (250mg/l chloride Cl-) về nước sạch tại Việt Nam gấp nhiều lần. Từ trước tới nay, hiện tượng này chưa bao giờ xảy ra. Có ngày Sawaco phải ngưng lấy nước thô 5 giờ liên tục. Nếu tình trạng này tăng lên 12 giờ/ngày thì TPHCM có khả năng không có nước dùng.
Theo các chuyên gia, hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) nằm tại thượng nguồn sông Sài Gòn. Trong trường hợp hồ được sử dụng làm nguồn nước trực tiếp cho các nhà máy nước Tân Hiệp 1, 2 và 3, thì lưu lượng tối thiểu cần thiết là 12m³/giây. Lượng nước này có thể được xem là khả thi, tuy nhiên ước tính chất lượng nước được cải thiện là không nhiều, vì hồ Dầu Tiếng cũng bị nhiễm bẩn hữu cơ do nước thải từ nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Một số tham số chất lượng nước vượt quá định mức mà quy định cho phép (QCVN08:2008/BTNTM) đối với nước thô được sử dụng trong việc cấp nước. Hồ Dầu Tiếng cách nhà máy xử lý nước Tân Hiệp 53km về phía Đông Bắc với địa thế tương đối phẳng, do đó không tận dụng được lực hấp dẫn để hỗ trợ dòng chảy.
Ông Nguyễn Công Thành, tư vấn viên độc lập tại Hà Nội, chỉ ra rằng, theo nghiên cứu của Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) năm 2013 thì tuyến ống ngắn nhất từ hồ Dầu Tiếng tới điểm lấy nước tại Hòa Phú có thể dài tới 65km. Đề phòng trường hợp hỏng hóc nặng, cần phải lắp đặt ít nhất 2 ống. Tuyến ống này bao gồm 4 trạm bơm nước. Vốn đầu tư cho công trình dự tính khoảng 1,2 tỷ USD. Lượng điện tiêu thụ hàng năm khoảng 210.000MWh, tương đương với 14,5 triệu USD/năm (chưa tính lượng điện tiêu thụ bởi nhà máy bơm Hòa Phú). “Việc xây dựng và lắp đặt một hệ thống ống dẫn nhằm hỗ trợ cung ứng nước thô phục vụ sản xuất nước cho TPHCM như trên ước tính sẽ hoàn thành từ sau 7 tới 10 năm. Như vậy, kinh phí bỏ ra khá lớn. TPHCM có hệ thống kênh, rạch liên thông nhau, thuận tiện cho việc xây dựng một hồ chứa kiêm vành đai xanh đa năng (bằng cách cải thiện hiện trạng đoạn kênh kéo dài khoảng 22km), có mức đầu tư rẻ hơn nhiều so với xây dựng đường ống, nhưng lại hiệu quả đối với môi trường. Người dân có thể đi dạo, tập thể dục, ngắm cảnh… xung quanh khuôn viên hồ chứa. Cá nhân tôi cho rằng đây là giải pháp rất thông minh”, ông Nguyễn Công Thành nói.
Sử dụng nước hồ Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa là một chiến lược cấp nước tổng thể cho TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hướng tới cung cấp nước bền vững
Lãnh đạo Sawaco cho biết, chiến lược cấp nước tổng thể cho TPHCM đến năm 2025 đã vạch ra một số nguyên tắc cơ bản, bao gồm sự phát triển bền vững trong cấp nước dựa vào tối ưu hóa việc tận dụng tài nguyên để đạt được nhu cầu sử dụng nước của TPHCM. Song song đó, cần tận dụng nguồn nước một cách hợp lý và kinh tế trong viễn cảnh bị ảnh hưởng bởi những tác động biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giới hạn khai thác nước ngầm quá mức. Những nguồn nước được xác định cung cấp cho TPHCM gồm sông Đồng Nai, điều tiết bởi hồ Trị An khoảng 2,5 triệu m3/ngày; sông Sài Gòn, điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng và Phước Hòa ở mức 1 triệu m³/ngày; kênh Đông, điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng và Phước Hòa ở mức 0,5 triệu m3/ngày. Chiến lược cũng bao gồm nghiên cứu những nguồn nước thay thế, chủ yếu là việc sử dụng nước trực tiếp từ 3 hồ Trị An, Dầu Tiếng và Phước Hòa để đáp ứng những nhu cầu tất yếu trong sản xuất, an toàn nước cũng như hiệu quả sản xuất.
Để ứng phó với sự thay đổi chất lượng nước, trước đó Sawaco đã tóm tắt sơ lược về một số biện pháp bảo vệ nguồn nước khỏi những biến đổi chất lượng nước, ảnh hưởng tới việc cấp nước cho cộng đồng. Các biện pháp này được chia theo tính chất chủ động và bị động. Những phương án mang tính chất bị động đòi hỏi Sawaco phải phụ thuộc hầu hết vào hoạt động của bên thứ ba, trong khi phương án chủ động buộc Sawaco phải chủ động trong công việc. Cụ thể, đối với phương án bị động, Sawaco tiến hành khôi phục rừng đầu nguồn; xây dựng đập ngăn nước biển xâm thực tại các cửa sông Nhà Bè, Đồng Nai và Sài Gòn; kiểm soát sự phát triển của các khu công nghiệp trên các thượng nguồn và hạ nguồn của những điểm lấy nước thô phục vụ cho việc cấp nước. Đối với phương án chủ động, cần ứng dụng những kỹ thuật xử lý nước mới; xây hồ chứa nước thô; yêu cầu cơ quan quản lý của 2 hồ Trị An và Dầu Tiếng cho phép xả nước vào sông Đồng Nai và sông Sài Gòn…
Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), phân tích trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, việc nghiên cứu, tìm thêm các nguồn nước cung ứng cho sản xuất nước sạch cần được đặt ra. Có thể suy nghĩ theo hướng da đạng hóa nguồn nước, bằng cách sử dụng nhiều phương án, chẳng hạn như khai thác, tận dụng các nguồn nước khác (nước mưa, nước ngầm) thay vì chỉ khai thác nước mặt. “Tôi ấn tượng với phương án sử dụng kênh chứa nước lâu dài, đa mục tiêu, mang tính chất sinh thái. Nếu chúng ta sử dụng kênh hiện có để xây dựng theo chiều dài dọc sông, tạo nên kênh chứa nước lớn theo hướng đa năng, như cung cấp nước, điều tiết mùa lũ, đẩy mặn… thì rất hữu ích, thiết thực”, ông Nguyễn Hồng Tiến nhận định.
THI HỒNG