Google bước chân vào Việt Nam

Google bước chân vào Việt Nam

Hiện nay, chỉ có gần 100 người Việt Nam – sinh sống tại Mỹ - đang làm việc tại Google, nơi đang thu hút khoảng 10 ngàn nhân công. Con số 100 người đó sẽ được mở rộng ra trong thời gian tới, khi lần đầu tiên, Google đã đến Việt Nam tuyển kỹ sư phần mềm.

  • Sức hút được đặt tên Google
Google bước chân vào Việt Nam ảnh 1

Chân dung 2 nhà sáng lập và giám đốc điều hành Google (giữa) - ông E.Schmidt. Ảnh: T.L

Lịch hội thảo Ngày hội nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) TPHCM được bố trí kín với hơn 10 bài báo cáo, song đã hết buổi sáng mà số sinh viên dự thính không nhiều, chỉ đến khi sắp bắt đầu bài báo cáo “Làm việc ở Google - giới thiệu một số sản phẩm của Google” của ông Huỳnh Kim Tước – VietNam Regional Consultant (Cố vấn Google tại Việt Nam) hội trường mới thực sự nóng lên.

11 giờ 30 - số câu hỏi đưa ra tỷ lệ thuận với số lượng sinh viên đang tăng áp đảo.  Phía Google đã chuẩn bị rất nhiều áo phông để tặng cho các sinh viên có câu hỏi hay nhưng rốt cuộc “cung không đủ cầu”. Không đủ ghế, nhiều sinh viên đứng nghe một cách hào hứng, một số bạn nữ đã tranh thủ gọi điện thoại rủ bạn đến nghe.

Các câu hỏi của sinh viên được đánh giá là rất thông minh và bám sát chủ đề như: Làm việc ở Google có ổn định không vì em là nhân viên nữ sau này sẽ có con nhỏ? Mức lương của anh Tước hiện nay là bao nhiêu? Chúng em phải mất bao nhiêu thời gian để trở thành chuyên viên phần mềm như anh? Những yếu tố nào để chúng em có thể trở thành người của Google vì đa số chúng em không có kinh nghiệm?…

Quá 13 giờ, không khí vẫn vô cùng sôi nổi, nhiều cánh tay giơ lên muốn được giao lưu với ông Tước. Khi được hỏi “Bạn biết gì về Google?” một sinh viên nữ nhanh nhảu: là công trình khổng lồ do hai người bạn Mỹ sáng lập khi đang độ hai mươi; “Vì sao bạn thích Google?” Thắng - sinh viên ngành Thủy sản - Trường đại học Nông lâm không ngần ngại thuyết trình: “Người khổng lồ Google” đã đi vòng quanh thế giới để khai trương văn phòng, vì vậy chỉ trong vòng 3 năm đội ngũ nhân viên đã đông gấp 3 lần. Gần như mỗi tuần Google lại tung ra một sản phẩm mới. Google sẵn sàng thâu tóm đối thủ như vụ mua lại website YouTube với giá 1,65 tỷ USD cổ phiếu…

Thực tế, thông tin về Google đầy rẫy trên mạng, và “Người khổng lồ Google” được đánh giá là công cụ tìm kiếm hữu ích và mạnh mẽ nhất trên Internet. Được sáng lập bởi hai sinh viên Larry Page và Sergey Brin khi họ đang dự tuyển Tiến sĩ tại trường đại học Stanford. Tháng 9-1998, Google đã mở văn phòng đầu tiên tại một gara ở California (họ đã thuê gara của một người bạn để đặt máy tính), sáu năm sau cả hai đã nhận dự án nghiên cứu tốt nghiệp và biến Google trở thành một doanh nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỷ USD.

Hiện nay, trụ sở chính Google đặt tại California - Mỹ do tiến sĩ Eric Schmidt làm giám đốc điều hành, với các chi nhánh rải đều toàn thế giới. Khu vực châu Á có văn phòng Trung Quốc và Singapore, người Việt Nam sau khi trúng tuyển sẽ làm việc tại Singapore. Trang đầu tiên Google Việt Nam ra ngày 8-4-2005 có giao diện tiếng Việt gồm nhiều sản phẩm đa dạng: dịch vụ thư điện tử; trình đọc tin trực tuyến; dịch vụ blog; lịch làm việc; tìm mua hàng hóa; quản lý lưu trữ hình ảnh, văn bản; tạo trang web trực tuyến miễn phí…

  • Cơ hội nào cho sinh viên Việt Nam?

Theo ông Tước, văn phòng Google cần tuyển người Việt Nam vào các vị trí tại Singapore như: giám đốc trung tâm nghiên cứu tại văn phòng Singapore dành cho các giáo sư đầu ngành công nghệ thông tin, nhà nghiên cứu tâm huyết với Google - những người có khả năng phát triển công nghệ mới, vị trí không mấy liên quan đến CNTT - nhân viên phục vụ khách hàng dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp, cần có khả năng hoạt động cộng đồng. Tất nhiên, khả năng tiếng Anh là điều kiện tối thiểu cho tất cả các vị trí trên. Trước mắt, cần tuyển ba người, trong đó một người cho vị trí giám đốc. Con số trên có thể thay đổi sau khi tuyển dụng thành công giám đốc cho văn phòng Singapore.

Lý giải việc đến Việt Nam tuyển dụng cho nhân sự ở Singapore, ông Tước nhấn mạnh: “Các chuyên gia ở Google đánh giá cao người Việt Nam, họ nói người Việt rất thông minh và nhiệt tình không thua gì nhân viên từ các nước tiên tiến khác”. Hiện ông Tước chưa tìm được ứng viên cho vị trí lãnh đạo “Sau khi tìm được người điều hành, chúng tôi sẽ xúc tiến tuyển dụng sinh viên, còn phải chờ xem kế hoạch của người điều hành mới đã”.

Băn khoăn lớn nhất của sinh viên khi xin việc ở Google là kinh nghiệm, tuy nhiên ông Tước khẳng định, kinh nghiệm không phải là vấn đề lớn, chỉ cần quyết tâm. Đến nay, tuy mới làm việc ở Google hơn một năm nhưng ông đã mất hai năm cho việc phỏng vấn. “Bạn phải thể hiện mình có khả năng làm việc tổng hợp chứ không phải chỉ là công việc chuyên môn, bởi những người có chuyên môn chưa hẳn đã làm được công việc tổng hợp. Quan trọng là bạn hãy nắm lấy cơ hội, khi ấy hãy thuyết phục nhà tuyển dụng bằng sự tự tin của mình”, ông Tước nói.

Hai nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin đã từng nói: “Có một thành ngữ chúng tôi được học hồi đại học, đó là hãy quan tâm tới những điều không thể. Đó là một thành ngữ hay. Bạn nên thử làm những gì mà hầu hết mọi người chưa nghĩ tới. Khi chúng tôi nói với thầy giáo về việc muốn tải tất cả thông tin trên mạng vào máy tính của mình chỉ trong một tuần đã khiến bạn  bè bật cười, nhưng sau đó chúng tôi đã làm được, tuy phải mất đến một năm”.

NGỌC LINH

Tin cùng chuyên mục