Bản quyền phần mềm

Phép tính sử dụng phần mềm nguồn mở

Phép tính sử dụng phần mềm nguồn mở

Bộ cài đầy đủ bản Windows Vista mới gồm các phiên bản từ Home Basic đến Ultimate được cung cấp qua hệ thống phân phối của Microsoft có giá từ 238 đến 470 USD. Bộ cài đặt Office 2007, được ghi trên DVD theo tiêu chuẩn của Microsoft, có giá bán lẻ 432 USD. Đó là một mức giá không rẻ chút nào đối với người tiêu dùng Việt Nam. Giá sử dụng bản quyền phần mềm liệu có rẻ được hơn không?

6 triệu máy tính, 3 tỷ USD!

Từ cuối năm 2006, cùng với việc gia nhập WTO và thực hiện các cam kết, các cơ quan chức năng Việt Nam đã đẩy mạnh những hoạt động chống vi phạm bản quyền phần mềm.

Hàng loạt các doanh nghiệp từ lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, tài chính… đã chính thức mua bản quyền phần mềm của Microsoft. Không doanh nghiệp nào tiết lộ (kể cả phía Microsoft) về giá trị của những vụ mua bán đó, nhưng theo giới chuyên môn thì đó là những hợp đồng khá hơn và Microsoft bắt đầu “gặt hái” ở thị trường Việt Nam sau một thời gian dài có mặt…

Vấn đề đặt ra, là hầu như các doanh nghiệp đều tự đàm phán để mua bản quyền, vì vậy, tùy theo doanh nghiệp, mà Microsoft lại có giá bán khác nhau về bản quyền Windows cũng như Office. Tức là trong việc mua bán ở đây, cũng là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng có nơi phải mua đắt hơn nơi khác!

Phép tính sử dụng phần mềm nguồn mở ảnh 1

Sử dụng bản quyền phần mềm trong doanh nghiệp cần một lộ trình chuyển đổi. Ảnh: ĐỨC THIỆN

Trước tình hình đó, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã chính thức gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ hơn trước khi đồng ý đàm phán mua bản quyền phần mềm văn phòng của Microsoft cho tất cả các cơ quan Chính phủ.

Theo VAIP, nếu Việt Nam quyết định giảm tỷ lệ vi phạm theo cách mua bản quyền của Microsoft, sẽ tốn một khoản chi phí khổng lồ.

Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng 4 - 5 triệu máy tính (PC) đang sử dụng, và theo báo cáo từ Intel, năm 2005, riêng hãng này đã bán được 1,2 triệu PC mới trên thị trường Việt Nam,nếu tính thêm mức độ tăng trưởng 25% năm, như vậy trong 5 năm tới sẽ có 6 triệu PC mới phải sử dụng bản quyền có phần mềm, nghĩa là Việt Nam sẽ phải trả bản quyền cho 6 triệu PC x 500 USD (mức giá thấp nhất cho một bộ phần mềm Window và Office) là 3 tỷ USD.

Mặt khác, nếu Chính phủ mua bản quyền cho các cơ quan nhà nước, hiện đang có khoảng 2 triệu công chức và viên chức thì cũng mất 1 tỷ USD cho việc chi trả bản quyền cho Microsoft (bản quyền chỉ có giá trị trong 3 năm).

Cần một lộ trình chuyển đổi

Theo ông Nguyễn Long – Tổng Thư ký VAIP lưu ý, chỉ cần bỏ ra vài chục triệu USD để tài trợ cho việc tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ sử dụng cho phần mềm Linux và Open Office, thì nhà nước đã tiết kiệm được hàng trăm triệu USD dành cho phát triển ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp phần mềm ở Việt Nam. Việc sử dụng phần mềm nguồn mở cũng đang là xu hướng chung của thế giới hiện nay và Việt Nam cần phải chú trọng và khai thác tối đa.

Theo các chuyên gia, Việt Nam phải tôn trọng cam kết quan trọng khi gia nhập WTO, và tuân thủ Hiệp định Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs), trong đó bản quyền phần mềm máy tính là điều hoàn toàn tất yếu và có tính bắt buộc.

Nhưng điều này không có nghĩa là “mua nhanh, mua hết, xóa hết” như kiểu một số doanh nghiệp đã làm thời gian qua khi mua bản quyền của Microsoft, mà cần phải cân nhắc phương thức và biện pháp hội nhập theo cam kết. Trong văn bản gửi Chính phủ, VAIP đề xuất, cần có thời gian để triển khai việc thực thi và đón nhận sự hỗ trợ kỹ thuật của các nước khác.

Việc đàm phán để mua bản quyền phần mềm với Microsoft cũng như các đối tác nước ngoài khác cũng cần phải được tiến hành thận trọng, kỹ càng hơn, nhằm đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.

Đặc biệt, cần phải đàm phán đến lộ trình chuyển đổi, thực hiện các cam kết WTO, cũng như thời điểm các cam kết đó có hiệu lực. Theo VAIP, Chính phủ nên giao cho Bộ BC-VT làm đầu mối để tiến hành đàm phán chung cho tất cả, từ đó có mức giá hợp lý và lộ trình thực hiện chung cho tất cả các cơ quan, doanh nghiệp trong nước. Tránh trường hợp mỗi bộ, ngành, doanh nghiệp tự đàm phán riêng, thiếu tiếng nói chung, bị đối tác nước ngoài lợi dụng!

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nâng cao nhận thức và ý thức tiết kiệm cho đất nước trong tiến trình hội nhập bằng cách ứng dụng và phát triển các sản phẩm trong nước làm ra, khuyến khích sử dụng miễn phí các phần mềm như Open Office, phần mềm nguồn mở, tăng cường ứng dụng chuẩn mở theo xu hướng công nghệ mới của Web 2.0 như Google, Yahoo, Sun, Oracle đang làm.

Để tăng tính hiệu quả, khả thi cho việc này, VAIP cho rằng Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ nhanh chóng hình thành các trung tâm cũng như các cộng đồng phần mềm nguồn mở nhằm hỗ trợ người dân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sử dụng phần mềm nguồn mở và miễn phí.

Từ đó sẽ hạn chế được việc vi phạm bản quyền phần mềm, đồng thời tiết kiệm được một khoản ngoại tệ lớn cho quốc gia, mà vẫn không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của tất cả cộng đồng khi sử dụng máy tính. 

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục