“Tuần lễ văn hóa cà phê 2007”

Góp phần nâng cao vị trí cà phê Việt Nam trên thương trường

Góp phần nâng cao vị trí cà phê Việt Nam trên thương trường

Chiều 16-12, sau 4 ngày diễn ra tại TPHCM, “Tuần lễ văn hóa cà phê 2007” (TLVHCP) bế mạc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân TP về cà phê Việt Nam.

Phát biểu tại buổi bế mạc, ông Lê Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc - Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, TLVHCP gắn kết việc nâng cao giá trị kinh tế của cây cà phê với hoạt động văn hóa, đưa ngành cà phê vượt qua giới hạn về việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thông thường để làm cho nó thăng hoa những giá trị của cà phê, đồng thời tạo ra phong cách riêng trong văn hóa ẩm thực, đời sống tinh thần, làm cho cà phê thực sự trở thành nhu cầu gần gũi hàng ngày của mọi người.

Nhận thức xã hội về vai trò của cà phê đã được nâng lên, tạo ra động lực mới để những người đam mê cà phê cùng chia sẻ và hành động vì cà phê VN và tạo cơ hội để các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh cà phê quảng bá sản phẩm và thương hiệu.

Góp phần nâng cao vị trí cà phê Việt Nam trên thương trường ảnh 1

Vinacafe Biên Hòa pha chế ly cà phê khổng lồ. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Trước đó, ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch tỉnh Đắc Lắc, kiêm Phó Ban tổ chức thường trực cho biết, TLVHCP tại TPHCM thu hút khoảng 500.000 lượt người; với 34 DN, thương hiệu và quán cà phê nổi tiếng trong cả nước tham gia giới thiệu, quảng bá chất lượng, hình ảnh, bí quyết chế biến và phong cách riêng.

Các DN nhận được hàng trăm lời đề nghị làm nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm cà phê và bước đầu giao lưu với nhà phân phối nước ngoài, như trường hợp của cà phê Thu Hà (Gia Lai)...

TLVHCP mang đến cho khách tham quan nhiều khám phá về cà phê, nâng cao thêm ý thức về vị thế của VN trên bản đồ cà phê thế giới. Tại buổi trò chuyện thú vị chiều 16-12, nhà sử học Dương Trung Quốc bức xúc nói: Uống ly cà phê với vị đắng của nó, các bạn có nghĩ sâu xa về dân tộc mình không. Nước nghèo là nước sản xuất cà phê, nước giàu là nước chế biến cà phê.

Tại sao những nước trồng cà phê, người nông dân sản xuất ra hạt cà phê mà lợi nhuận thu được chỉ là một phần rất nhỏ của công nghệ cà phê thế giới. VN tự hào là quốc gia đứng đầu xuất khẩu cà phê Robusta, nhưng cà phê mang lại lợi ích quốc gia không nhiều, chưa tương xứng.

Đó cũng là vấn đề về văn hóa mà các bạn nên quan tâm, ngẫm nghĩ về con đường mà chúng ta phải phấn đấu. TLVHCP giúp mọi người biết đến nhiều thương hiệu VN, nhưng những DN này mới ở trong nước, đang nỗ lực vươn ra nước ngoài. Trong khi đó, nhiều thương hiệu lớn thế giới đã có mặt tại VN. Thời đại hội nhập, cần phải phấn đấu vươn lên để theo kịp mọi người”.

Bên cạnh việc tham quan, thưởng thức những sản phẩm cà phê, những chương trình văn hóa, văn nghệ hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên, những bài hát mang chất âm nhạc của núi rừng Tây Nguyên.

Góp phần quảng bá và tiếp thị cho cà phê VN và tạo ấn tượng của TLVHCP là 2 kỷ lục đã được xác lập: Chiếc cổng cà phê lớn nhất VN (cao hơn 9m rộng 27m) và kỷ lục ly cà phê khổng lồ (cao 1,53m, đường kính 2,34m, chứa 810kg cà phê hòa tan (cho khoảng 30.000 người uống).

Qua “TLVHCP”, các DN chế biến và xuất khẩu cà phê, những người nông dân trồng cà phê và hàng triệu người tiêu dùng sản phẩm cà phê trên cả nước chung tay quảng bá, giới thiệu và tiếp thị mặt hàng cà phê không chỉ người VN biết mà bạn bè quốc tế cũng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và vị thế của cà phê VN. TLVHCP 2007 chỉ là sự bắt đầu, mọi việc đều đang phía trước. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục