“Gót chân Archille” trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản

Lịch sử quan hệ ràng buộc
“Gót chân Archille” trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản

Sự kiện Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama từ chức với lý do chính là thất hứa trong việc di dời căn cứ quân sự Mỹ khỏi Okinawa một lần nữa cho thấy chính trường Nhật Bản vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Thủ tướng Hatoyama đã khởi đầu một thời kỳ mới về một mối quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ.

Lịch sử quan hệ ràng buộc

“Gót chân Archille” trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản ảnh 1

Một góc căn cứ không quân Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, mối quan hệ Nhật Bản - Mỹ được xem là bắt đầu bình đẳng hơn từ tháng 4-1952, thời điểm quân đồng minh rút khỏi Nhật Bản. Viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ cho Nhật Bản giảm dần khi nền kinh tế Nhật Bản chuyển động. Người dân Nhật Bản cảm nhận được sự tự chủ của mình khi kinh tế hồi sinh. Cũng kể từ lúc này, nhu cầu của Nhật Bản về việc thành lập một cơ quan phòng vệ trở nên lớn hơn. Chính phủ Nhật Bản trong những năm 1950-1960 đã dần dần nhận được sức ép từ hai phía, một bên là từ lực lượng cánh tả đòi giảm số căn cứ quân sự của Mỹ, một bên là từ chính nước Mỹ muốn tiếp tục duy trì. Do đó, đến năm 1959, các cuộc đàm phán song phương về việc gia hạn hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản năm 1952 đã được hai nước xúc tiến dẫn đến Hiệp ước an ninh và hợp tác hỗ tương ký tại Washington vào ngày 19-1-1960.

Khi hiệp ước này được đệ trình Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn, đã trở thành đề tài tranh luận về quan hệ Mỹ - Nhật Bản. Nhiều cuộc biểu tình của lực lượng cánh tả diễn ra nhằm ngăn chặn Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn hiệp ước. Các đại biểu của đảng Xã hội Nhật Bản đã tẩy chay phiên họp của Hạ viện và chặn đường không cho các đại biểu của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào phòng họp. Sau đó cảnh sát đã phải can thiệp. Cuối cùng, hiệp ước nói trên cũng được Hạ viện thông qua vào ngày 20-5-1960.

Kể từ ngày Chiến tranh lạnh bắt đầu, các chính phủ kế tiếp ở Nhật Bản đã luôn chiều theo mọi ước muốn của Mỹ. Khi Chính phủ Nhật Bản hạn chế xuất khẩu quân sự gây trở ngại cho liên minh, Tokyo vẫn luôn dành ngoại lệ đặc biệt cho Mỹ. Khi nhu cầu hợp tác trong vấn đề phòng thủ tên lửa, mâu thuẫn với chính sách ngăn cấm quân sự hóa không gian, Tokyo lại vung “đũa thần” và sự cấm đoán tan biến.

Mặc dù hiến pháp Nhật Bản từ chối “đe dọa hay sử dụng vũ lực như phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế” nhưng để bù lại, Mỹ đã thúc đẩy Tokyo giúp trang trải các chi phí của cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ trong cuộc chiến vùng vịnh lần đầu chống lại Saddam Hussein năm 1990-1991. Và Tokyo đã ngoan ngoãn tuân theo.

Sức ép đối với các thủ tướng Nhật Bản lúc đó về quan hệ quân sự khắng khít với Mỹ dường như chưa đủ mạnh để buộc chính phủ phải từ chức. Thế nhưng, hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản vẫn là đề tài tranh cãi dữ dội tại Nhật Bản cho tới tận ngày nay, trong đó có việc đồn trú của lực lượng Mỹ ở nhiều nơi tại Nhật Bản, mà quan trọng nhất là đảo Okinawa.

Cục diện thay đổi

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang ngày càng tự khẳng định về tiềm lực kinh tế và quân sự, Nhật Bản cũng đến lúc phải tự khẳng định mình hơn là nhờ cậy đến sự che chở của Mỹ. Lịch sử quan hệ Mỹ - Nhật Bản tưởng như sẽ sang trang mới với việc cầm quyền của đảng Dân chủ (DPJ) sau 50 năm nước này được lèo lái bởi LDP vốn rất gần gũi với Washington.

Ông Hatoyama hẳn sẽ không bằng lòng với vị trí của Nhật Bản và ông có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển quan hệ với Mỹ sang trang mới bình đẳng hơn trong đó sự ủng hộ của người dân Nhật Bản là yếu tố then chốt. Ngay sau khi DPJ lên cầm quyền, họ đã cho công bố tài liệu mật. Theo đó, vào năm 1969, chính phủ của LDP  lúc đó đã nhượng bộ trước đòi hỏi của Tổng thống Richard Nixon. Nhật Bản đã bí mật tiếp nhận các tàu chiến trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ dù trái với nguyên tắc phi hạt nhân của Tokyo.

Tuy nhiên, cục diện khu vực Đông Bắc Á đã xoay chuyển rất nhanh chóng sau vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc chìm làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Ông Hatoyama đã cảm nhận được hơi nóng từ người láng giềng Triều Tiên đối với an ninh Nhật Bản, điều mà bất cứ nhà chính trị nào của Nhật Bản cũng phải dè chừng trước tiên. Hơn thế, vị thế của Trung Quốc trên thế giới ngày càng mạnh trong khi nền kinh tế Nhật Bản đang xuống dốc cũng là một nỗi lo của Nhật Bản.

Để đương đầu với hai sức ép này bằng nội lực sẽ là gánh nặng cho Nhật Bản. Do đó, sẽ không có gì dễ dàng bằng cách hy sinh sinh mệnh chính trị để củng cố quan hệ Mỹ - Nhật Bản nhằm đảm bảo an ninh trước tiên. Những người đứng đầu cơ quan quốc phòng Mỹ và Nhật Bản gần đây đồng ý cam kết các nỗ lực chung để tăng cường giám sát hải quân Trung Quốc khi các các cuộc diễn tập quân sự của nước này đã làm bùng lên các mối quan ngại.

Trong một cuộc họp kéo dài 40 phút tại Lầu Năm Góc, ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ông Toshimi Kitazawa, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản “nói về các hoạt động gần đây của hải quân Trung Quốc và đồng ý tiếp tục hợp tác, theo dõi các hành động của Trung Quốc trong khu vực”.

Ông Robert F. Willard, Đô đốc và là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ bày tỏ mối lo ngại về việc gia tăng sự xuất hiện của hải quân Trung Quốc trong một bài báo phát hành  trên tờ tuần báo Washington Observer, số ra gần đây. Ông Willard cho biết khả năng của Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương, có khả năng tác động đến vấn đề chiến lược trong vùng biển quốc tế quan trọng, gồm eo biển Đài Loan (Trung Quốc), biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Malacca. Ông từng nói trong một cuộc họp tại Hạ viện Mỹ trước đây, rằng việc gia tăng quân sự đáng kể của Trung Quốc “là mối đe dọa đến hoạt động của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, dẫn giải việc hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng hàng hải của Trung Quốc.

Hướng đến quan hệ bình đẳng

Mặc dù thất hứa trong việc di dời căn cứ Mỹ khỏi Okinawa, nhưng cựu Thủ tướng Hatoyama cũng cho thấy một xu hướng mới của chính phủ Nhật Bản và có lẽ sẽ hình thành trong tương lai về một mối quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ. Tạp chí Time của Mỹ số ra ngày 2-6 ghi nhận công lao của ông Hatoyama trong việc “lập lại trật tự” giữa Washington và Tokyo, qua đó đã tái định hướng chính sách đối ngoại của Nhật Bản với sự chú trọng vào sức mạnh đang nổi lên của Trung Quốc.

Trái với những người tiền nhiệm, ông Hatoyama muốn có một mối quan hệ cân bằng hơn giữa Nhật Bản với Mỹ và giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc. Tờ Time cho rằng, bất kỳ vị thủ tướng nào sắp tới của Nhật bản cũng sẽ phải cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ nhưng chắc chắn sẽ không để quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản sứt mẻ. Lời nhắn nhủ mà ông Hatoyama để lại cho người kế nhiệm của mình: “Xin hãy cẩn trọng trong các mối quan hệ Nhật Bản - Mỹ, Nhật Bản - Trung Quốc và Nhật Bản - Hàn Quốc”.

Thực tế những gì xảy ra tại Okinawa đã làm người dân ở đây tức giận. Nhiều lính Mỹ tại đây từng lái xe cán chết người hay phạm tội hãm hiếp đều được xử nhẹ. Ngoài ra tiếng động cơ máy bay gầm rú suốt cả ngày kéo dài hàng nửa thế kỷ qua đã không thể nào giữ cho Okinawa bình yên sau khi kết thúc chiến tranh. Người dân Okinawa nhớ rõ rằng, chính Okinawa là nơi quân đội Mỹ đặt chân lên đầu tiên với cuộc chiến đẫm máu khi thế chiến thứ hai sắp kết thúc. Điều khá đau đớn với họ là kể từ những năm 1970, khi Mỹ bắt đầu rút bớt quân ở nhiều nơi trên đất Nhật Bản thì cũng là lúc Okinawa đón thêm nhiều binh sĩ từ các nơi này. Các chính khách Nhật Bản lúc đó xem Okinawa là một hòn đảo xa, không thể có tác động mạnh đến chính trường.

Theo các chuyên gia, Mỹ có lẽ đã không thể theo đuổi hai cuộc chiến Việt Nam và Triều Tiên nếu không có trên dưới 90 căn cứ quân sự rải rác quanh các đảo của đồng minh Thái Bình Dương quan trọng này. Từ Yokota và căn cứ không quân Kadena, Mỹ có thể gửi quân đội và máy bay chiến đấu đến khắp châu Á. Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ thường nhắc đến khoảng cách quá xa khi gửi quân đến hiện trường từ Guam hay Hawaii trong trường hợp khẩn cấp ở Đông Á. Giá trị chiến lược tối đa của căn cứ Futenma thực sự cũng chẳng đáng quan tâm. Để đối phó với tình trạng khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc chắc chắn có nhiều khả năng hơn. Trung Quốc thực ra cũng ở trong tầm hoạt động của hỏa lực hùng hậu tại Kadena và hải quân ở Yokosuka  của Mỹ.

Nhiều người cho rằng với bấy nhiêu căn cứ ở Nhật Bản, Mỹ sẽ chẳng mấy bận tâm khi phải đóng cửa một trong những căn cứ ở Okinawa. Tuy nhiên, quan điểm này là không thể chấp nhận với Washington… Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, sự đề kháng của Nhật Bản rất có thể mang tính lây lan. Đó là lý do quan trọng giải thích vì sao Mỹ đã không muốn rời Okinawa vì đây có thể là khởi đầu cho việc đóng cửa một loạt căn cứ khác của Mỹ ở Nhật Bản. Mâu thuẫn hiện nay về căn cứ không quân của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Futenma trên đảo Okinawa là mâu thuẫn lớn vì nơi đây chiếm  75% lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.

Dù thủ tướng mới có đường lối như thế nào đi nữa, Okinawa vẫn là “gót chân Archille” trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản. Sau sáu thập kỷ luôn đáp ứng mọi đòi hỏi của Mỹ, mối quan hệ mà có lần Dwight D. Eisenhower đã gọi là một “liên minh bất diệt” đang phơi bày những rạn nứt ngày một rõ nét.

VŨ MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục