Kỳ tuyển sinh năm 2016 này có nét mới là tuyển sinh theo nhóm, đó cũng sẽ là xu hướng chính của công tác tuyển sinh trong thời gian tới. Tuy nhiên, dư luận không phải không còn những băn khoăn đối với xu hướng tuyển sinh này.
Liệu thi cử, tuyển sinh trong tương lai còn tiếp tục thay đổi đến đâu, đó là vấn đề mà PV Báo SGGP đặt ra với GS Đào Trọng Thi (ảnh), nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
* Phóng viên: Năm nay, một số trường đại học liên kết với nhau để tuyển sinh. Quan điểm của ông thế nào về việc này?
* GS ĐÀO TRỌNG THI: Việc tuyển sinh theo nhóm trường là tốt, nhưng nên mở rộng thêm. Tôi nghĩ nên đi theo hướng các trường đại học cùng một khối hoặc cùng điều kiện về tuyển sinh có thể liên kết với nhau trong việc tổ chức một phương thức tuyển sinh chung, không nhất thiết chỉ trong nhóm trường sử dụng kết quả thi phổ thông.
Ví dụ nếu trường nào thấy mình có thể sử dụng phương pháp đánh giá năng lực thì có thể liên kết với ĐHQG Hà Nội hoặc trường nào đó đủ điều kiện làm theo cách đó nhất. Hoặc một số trường ngoài công lập có thể liên kết với nhau để tổ chức một kỳ thi riêng. Như vậy sẽ khai thác được triệt để hơn tính liên kết giữa các trường trong việc tuyển sinh và cũng phù hợp với việc tự chủ của các trường trong công tác tuyển sinh.
* Nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, cho rằng như vậy có thể dẫn đến tình trạng các trường trong nhóm hút hết thí sinh của trường ngoài nhóm, thưa ông?
Đây là sự cạnh tranh lành mạnh. Tất cả các trường đều có quyền tham gia vào các nhóm, nếu anh thấy nhóm này có lợi thế tại sao không tham gia? Việc hình thành các nhóm liên kết là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện nên các trường cần phải cân nhắc lợi ích của mình, cái nào phù hợp nhất, lợi nhất cho mình thì tham gia, không có đặc quyền, đặc lợi gì ở đây, vì thế không thể vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình mà không công nhận quyền tự chủ của người ta; không thể vì quyền lợi của tôi mà hạn chế quyền tự chủ của trường khác. Tôi nghĩ ý kiến lo ngại đó là không xác đáng, vì tất cả các trường đều có quyền tham gia vào nhóm này hay nhóm kia.
* Ông có cho rằng kỳ thi năm nay sẽ đỡ lộn xộn hơn năm trước?
* Thực ra, những điều mà xã hội bức xúc của kỳ thi năm 2015 là những điều rất dễ khắc phục, chẳng qua vì Bộ GD-ĐT quá “tham” trong việc đưa ra nhiều điều chỉnh đổi mới mà không biết những điều chỉnh đó cái được, cái mất là gì. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã bỏ bớt những đổi mới rối rắm không cần thiết, tập trung vào những đổi mới chính thì tự nhiên kỳ thi sẽ ổn định lại.
Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, những gì mà xã hội bức xúc về kỳ thi 2015 đều nằm ở những sai sót mang tính kỹ thuật. Cái chính của kỳ thi này về việc tích hợp yêu cầu vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, điều đó mới là khó. Điều này nằm ở khâu ra đề thi. Làm sao đề thi vừa để xét tốt nghiệp cho đại đa số học sinh, lại vừa chọn được đội ngũ tinh túy để tuyển vào đại học, lại còn đáp ứng được yêu cầu rất khác nhau trong tuyển sinh của các trường.
* Trong một hội nghị về tự chủ đại học mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu tinh thần tới đây sẽ tiếp tục đổi mới thi cử - tuyển sinh, theo hướng sẽ chỉ còn kỳ thi THPT quốc gia, còn việc tuyển sinh sẽ giao tự chủ hoàn toàn cho các trường. Như vậy là Bộ GD-ĐT không còn tham gia nhiều vào việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Ông có ủng hộ hướng đổi mới đó?
* Từ trước đến nay, tôi vẫn ủng hộ phương hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường và các trường nên thực hiện quyền tự chủ đó để phù hợp với yêu cầu tuyển sinh, phù hợp với đặc thù tuyển sinh của mình về điều kiện đào tạo, ngành nghề… Còn tốt nghiệp THPT là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT, phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương cũng như đáp ứng chuẩn chung của quốc gia. Thậm chí, về lâu dài tôi nghĩ có thể giao việc công nhận tốt nghiệp THPT cho các trường THPT thực hiện.
Một kỳ thi tốt nghiệp THPT số lượng học sinh đậu đến 90% - 95% thì nên để các trường phổ thông làm là tốt nhất. Thậm chí không cần thi họ cũng có thể chọn được 5% - 10% những em không đủ điều kiện tốt nghiệp. Không cần phải làm một kỳ thi tốt nghiệp THPT quá quy mô để thực hiện một mục tiêu quá đơn giản như vậy.
* Theo ông, với tình hình thực tế hiện nay, phương án tuyển sinh nào là tối ưu cho Việt Nam?
* Tôi đã nói rất nhiều lần rằng phương thức thi theo bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội đang làm là phương thức thi của tương lai, thậm chí có thể là tương lai rất gần, đó là cách thế giới họ đã làm rất lâu rồi. Cách này ĐHQG Hà Nội đang làm rất ổn. Nhưng nhân rộng cả nước thì hiện nay hơi khó, bởi chúng ta vẫn đang dạy và học theo kiểu truyền thụ kiến thức, nên thi đánh giá năng lực thì có sự không khớp nhau, học một đằng thi một nẻo, không phù hợp. Vì thế, cách thi đánh giá năng lực chỉ được thực hiện triệt để khi đã đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa trước, sau đó mới đổi mới cách kiểm tra, đánh giá phù hợp.
Hiện giờ tôi vẫn cho rằng làm sao để từng bước chuyển sang đánh giá năng lực là tốt nhất. Chúng ta phải tập làm quen dần với hình thức thi đó. Bởi cách thi này sử dụng thi trắc nghiệm, thi trên máy tính, giúp chúng ta giải quyết được những bất ổn hiện nay trong thi cử: khâu tổ chức thi đơn giản, đỡ tốn kém; khâu coi thi và chấm thi nhẹ nhàng hơn. Tức là hai khâu hiện nay đang là gốc rễ của mọi nguyên nhân rắc rối, tiêu cực trong thi cử hiện nay đều được giải quyết một cách tốt đẹp nhất.
Nhưng như tôi đã nói ở trên, chỉ khi đã thực hiện đổi mới việc dạy học thì mới chuyển sang hình thức thi này được. Kể cả kỳ thi THPT, khi đó cũng hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp đánh giá năng lực. Còn với tuyển sinh, nếu trường đại học không tự làm được kỳ thi riêng thì họ có hai cách: cùng tham gia với những trường có khả năng để sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường kia; hoặc tham gia vào kỳ thi chung. Kỳ thi chung đó tôi nghĩ cũng không nên gọi là kỳ thi quốc gia, gọi như vậy có tính chất bắt buộc, ai cũng phải làm. Mà kỳ thi đó phải thể hiện tinh thần tự nguyện, ai thấy có lợi thì tham gia. Bộ GD-ĐT có thể tổ chức hoặc giao cho tổ chức nào làm, nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, theo đúng luật giáo dục đại học.
* Xin cảm ơn ông!
PHAN THẢO (thực hiện)