GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn: Gắn kết hoạt động nghiên cứu KHCN với nhu cầu phát triển của thành phố

GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn: Gắn kết hoạt động nghiên cứu KHCN với nhu cầu phát triển của thành phố

Góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, ngay phần đầu trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, đã đề cập đến những thành tựu phát triển quan trọng mà thành phố đạt được trong nhiệm kỳ qua. Ông nói:

5 năm qua, thành phố không ngừng phấn đấu vươn lên, luôn thể hiện tính năng động và sáng tạo trong các mặt hoạt động để tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế còn kéo dài trên toàn thế giới, cũng như những diễn biến phức tạp trên biển Đông gây bất lợi phần nào cho kinh tế của cả nước nói chung và của thành phố nói riêng. Tôi nhất trí với nhận xét, đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và những kết quả đạt được, cũng như một số mặt còn tồn tại, các nguyên nhân chủ quan và khách quan mà dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu.

PV: Điều gì GS tâm đắc nhất từ những thành tựu mà TPHCM đạt được nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ tới cần phấn đấu?

GS-TS CHU PHẠM NGỌC SƠN: Tôi tâm đắc với 5 bài học kinh nghiệm được nêu trong dự thảo, nhất là bài học kinh nghiệm thứ hai về phát triển bền vững phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; gắn xây dựng con người với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tôi cũng tâm đắc và đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong 5 năm tới với 14 chỉ tiêu chủ yếu, 7 chương trình đột phá; tin tưởng với những cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, những nỗ lực, đồng thuận, phấn đấu của các giới đồng bào, các tầng lớp nhân dân thành phố chúng ta sẽ đạt và vượt tất cả chỉ tiêu đề ra.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tôi tâm đắc với mục tiêu ghi khá rõ trong dự thảo về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp là đào tạo phải gắn kết với doanh nghiệp, với yêu cầu thực tế, nhất là gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ với thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Từ đó, thành phố sẽ có những biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn, tạo được sự kết hợp hài hòa rất cần thiết giữa đào tạo nghiên cứu với sản xuất và đời sống. Mối quan hệ mật thiết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất sẽ giúp tạo sự cảm thông giữa các bên, thiết lập được nền móng để thực sự cùng ngồi lại bên nhau đề xuất những vấn đề chiến lược cho phát triển thành phố. Chẳng hạn, chính quyền thành phố, doanh nghiệp, các cơ sở giảng dạy, nghiên cứu cùng đầu tư tạo điều kiện cho một số trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao ở các trường, viện, khu công nghệ cao… trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ cao.

Người dân kỳ vọng TPHCM sớm trở thành nơi có môi trường sống tốt (Trong ảnh: Tập thể dục trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm). Ảnh: VIỆT DŨNG

Tôi cũng rất tâm đắc với mục tiêu và cũng là nhiệm vụ xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đâu là bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của TPHCM mà GS rút ra được?

Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo trong các nhiệm kỳ qua đã cho thấy phát triển nhanh, bền vững không phải chỉ gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường mà nhất thiết còn phải gắn với phát triển văn hóa, xây dựng con người, với tiến bộ và công bằng xã hội. Càng khó khăn lại càng thấm nhuần quan điểm tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, phát huy sức dân, chăm lo cho dân, thực hiện tốt an sinh, không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Những trải nghiệm có được những năm qua cho thấy chính những con người nghĩa tình, từ lãnh đạo đến người dân, đã từng bước xây dựng thành phố nghĩa tình của ngày hôm nay. Có sống trong những năm sau 1975 đầy khó khăn thử thách của thành phố mới cảm nhận được hết tấm lòng ưu ái, sự chăm sóc ân cần, sự đồng cảm vô cùng quý báu của lãnh đạo thành phố đối với dân, đi sát với dân, tháo gỡ khó khăn để vực dậy sản xuất, để người dân từng bước có cuộc sống dễ chịu hơn. 

Trong quá trình phát triển của TPHCM, GS quan tâm nhất vấn đề gì và những biện pháp cần tăng cường của thời gian tới?

An toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề gây nhiều lo lắng cho người dân thành phố. Việc nhập khẩu phi pháp qua biên giới hóa chất, sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, trong khi trong nước việc quản lý còn lỏng lẻo, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng. Các phụ gia thực phẩm còn cho bày bán chung với hóa chất sử dụng cho mục đích khác, tạo điều kiện cho người sản xuất, vì lợi nhuận bất chính, dễ lạm dụng trong chế biến. Việc buôn bán hàng gian, hàng giả càng làm trầm trọng thêm sự mất ATTP; việc quản lý thực phẩm từ người chăn nuôi đến bàn ăn - một biện pháp góp phần đảm bảo ATTP - chưa bảo đảm; công tác hậu kiểm, giám sát chưa tốt, chưa cho phép đánh giá thật đúng mức độ ATTP trên địa bàn. Trong những năm tới, thành phố cần tăng cường giám sát vệ sinh ATTP, phát triển mạnh việc quản lý thực phẩm và nên có một cơ quan kiểm nghiệm riêng biệt chuyên phục vụ công tác giám sát, quy tụ những chuyên gia giỏi về kiểm nghiệm và về độc chất học để hỗ trợ thành phố trong giải quyết những vấn đề liên quan đến ATTP và bảo vệ sức khỏe người dân.

Một vấn đề khác mà tôi cũng quan tâm, đó là môi trường sống của thành phố có chiều hướng suy thoái. Có thể có lúc kinh tế được ưu tiên phát triển nên việc bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng đô thị hóa quá nhanh cùng với sự di dân khó kiểm soát, dẫn đến xung đột giữa quy hoạch phát triển và bảo vệ môi trường sống. Mức độ giảm diện tích cây xanh, sự lấn chiếm xây dựng trên sông, kênh, rạch; lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày quá lớn; chất thải rắn và chất thải công nghiệp, nông nghiệp xử lý không triệt để..., đã làm cho ô nhiễm càng nghiêm trọng.

Rất mong, những vấn đề trên sẽ được đại hội lần thứ X Đảng bộ TPHCM bàn bạc và đưa ra giải pháp sát thực với sự phát triển của thành phố theo hướng bền vững, để cuộc sống của người dân mỗi ngày một tốt hơn.

HOÀI NAM (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục