Sau một thời gian lâm trọng bệnh, GS-TS-NSND Quang Hải (sinh năm 1935, tại Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã từ trần vào lúc 22 giờ 45 phút ngày 3-11 tại nhà riêng, hưởng thọ 78 tuổi.
GS-TS-NSND Quang Hải tên thật là Huỳnh Tấn Sĩ, tham gia cách mạng từ năm 1945. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1956, ông được cử đi học tại Liên Xô. Đến năm 1963, ông tốt nghiệp khoa Chỉ huy giao hưởng và nhạc kịch tại Nhạc viện Léningrad (St. Petersburg). Năm 1968, ông tốt nghiệp nghiên cứu sinh chỉ huy dàn nhạc và nhận bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Léningrad.
Ông giữ chức Giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam tại Hà Nội từ năm 1970 đến năm 1975 và làm Giám đốc Nhạc viện TPHCM từ năm 1975 đến năm 1997. Năm 1981, ông được phong hàm Phó giáo sư, năm 1991 được phong hàm Giáo sư. Năm 1993, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Từ năm 1982 đến 1999 GS-TS-NSND làm việc ở nhiều vị trí: Ủy viên Hội đồng Âm nhạc quốc gia (thành viên của Hội đồng Âm nhạc quốc tế), Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III (1983 - 1989), Ủy viên Hội đồng Học hàm ngành văn hóa nghệ thuật (1981 - 1999). Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục làm việc trong vai trò Ủy viên Hội đồng Khoa học Nhạc viện TPHCM.
Trong suốt cuộc đời hoạt động và gắn bó với nghệ thuật, GS-TS-NSND Quang Hải đã biểu diễn hàng trăm chương trình hòa nhạc giao hưởng và nhạc kịch, dàn dựng 2 vở nhạc kịch Việt Nam, 1 vở ballet, hàng chục chương trình hòa nhạc giao hưởng. Ông còn là người Việt Nam duy nhất cho tới nay chỉ huy dàn nhạc Nghệ sĩ công huân tập thể của Nga (là một trong những dàn nhạc nổi tiếng nhất thế giới).
Những sáng tác nổi bật của ông có thể kể đến: Ba tổ khúc giao hưởng, các concerto cho đàn tranh, piano, đàn nguyệt, sáo trúc biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, biến tấu trên chủ đề Hoa thơm bướm lượn (dân ca quan họ Bắc Ninh), biến tấu trên chủ đề Thăng Long hành khúc, hòa tấu cho dàn nhạc dân tộc Ngày hội, giao hưởng - đại hợp xướng Chuỗi ngọc biển Đông, giao hưởng - thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh, concerto cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng Dốc sương mù…
Có thể nói, các tác phẩm viết cho các nhạc khí dân tộc Việt Nam độc tấu với dàn nhạc giao hưởng của GS-TS-NSND Quang Hải là sự thể nghiệm thành công nhất của ông trong việc đưa “những cuộc đối thoại độc đáo và ăn ý” giữa khí nhạc Việt Nam và khí nhạc phương Tây, tạo nên một phong cách và ngôn ngữ âm nhạc mới trong các tác phẩm khí nhạc Việt Nam hiện đại. Không chỉ sáng tác cho khí nhạc, ông còn viết nhạc cho hơn 30 vở kịch nói, cải lương, kịch truyền hình, phim và múa. Trong “gia tài tri thức” của ông còn có gần 60 công trình khoa học, tiểu luận, tham luận và hàng trăm bài báo trong và ngoài nước…
Ngoài ra, ông cũng là người khởi xướng và tổ chức đào tạo tiến sĩ âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam, trực tiếp đào tạo trên 50 nghiên cứu sinh, cao học và đại học. Trong số này đã có người trưởng thành với học hàm phó giáo sư, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo ưu tú.
Với sự đóng góp, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà, GS-TS-NSND Quang Hải đã vinh dự đón nhận các phần thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba; Huân chương Hữu nghị Hoàng gia Campuchia; Huân chương Lao động hạng nhất; các huy chương vàng, huy chương bạc tại Hội diễn toàn quốc và khu vực phía Nam; các giải nhất, nhì, ba về Sáng tác khí nhạc và hợp xướng toàn quốc và khu vực; Giải thưởng Nhà nước năm 2001.
Tang lễ của GS-TS-NSND Quang Hải được tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 18 giờ ngày 4-11, lễ truy điệu vào lúc 14 giờ ngày 6-11, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hội tương tế Bến Tre (số 196 tỉnh lộ 43, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). |
THÚY BÌNH