Cô BÙI THỊ KIM LIÊN, Khối trưởng khối 4, Trường Tiểu học Vạn Tường (quận Phú Nhuận): Hết mình với bài giảng
Trường Tiểu học Vạn Tường (quận Phú Nhuận TPHCM) đóng trên địa bàn dân cư có thu nhập khá thấp, nên cô giáo Bùi Thị Kim Liên luôn quan tâm tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh. Không ít lần cô phải tìm đến tận nhà các em để động viên, thuyết phục gia đình cho các em đi học. Trong giờ học, cô luôn tự nhủ phải tạo không khí vui tươi, thoải mái, không gây áp lực cho học sinh, tạo điều kiện cho các em tự do phát biểu ý kiến của mình.
Quan điểm làm nghề của cô là không cho bài tập về nhà, không tạo sự căng thẳng trong mối quan hệ thầy - trò, nhắc nhở phụ huynh tìm hiểu đúng năng lực học sinh để phát huy đúng cách, tránh việc áp đặt quá nhiều kỳ vọng, so sánh em này với em khác khiến các em mất đi sự tự tin, hứng thú trong học tập.
Điểm đặc biệt trong sự nghiệp của người giáo viên này là cô vào nghề năm... 31 tuổi. Cô nhớ lại: “Hoàn cảnh gia đình khi đó quá khó khăn nên tốt nghiệp xong lớp 12 tôi phải sớm bươn chải kiếm sống. 11 năm sau, kinh tế gia đình ổn định, tôi mới nộp hồ sơ thi vào trường sư phạm. Lúc đó, kiến thức lớp 12 rơi rụng hết, tôi phải mua sách về nhà tự ôn bài, nhờ các em học sinh lớp 12 ở cùng xóm hướng dẫn thêm”. Năm ấy, cô thi đậu vào trường sư phạm với số điểm khá cao. Nhưng khó khăn không dừng ở đó. Vào học sư phạm, trong khi bạn bè cùng lớp chỉ mới 18, 19 thì cô đã gần 30, khả năng tiếp thu kiến thức chậm hơn.
Gạt qua hết mọi khó khăn, mặc cảm, cô vừa học vừa lập gia đình rồi có con. Ra trường đi làm, vất vả thêm chồng chất. Không ngày nào cô ngủ trước 12 giờ đêm và mỗi sáng đều thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng. Nhưng chưa ngày nào người giáo viên ấy đi trễ, chưa một lần xin nghỉ dạy vì con bệnh. Cô cho biết: “11 năm bôn ba, kiếm sống bên ngoài đã giúp tôi nếm trải đủ mọi khó khăn, cay đắng trong cuộc sống nên khi trở thành giáo viên, tôi đem chính sự từng trải và những kinh nghiệm sống quý báu đó áp dụng vào nghề dạy học”.
Trò chuyện với chúng tôi, cô cho biết 2 điều tâm đắc nhất trong cuộc đời là đã chọn đúng nghề nghiệp phù hợp với mình và được nhìn thấy từng thế hệ học trò của mình trưởng thành. Suốt 15 năm đi dạy, cô luôn quan niệm dù cuộc sống có những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi nhưng một khi đã bước chân vào lớp, người giáo viên sẽ gác qua hết mọi buồn phiền, sống hết mình với bài giảng.
Đối với bản thân, cô luôn muốn mình trẻ trung trong mắt học sinh. Do đó, ngoài việc chỉn chu về mặt hình thức, cô còn tạo sự thoải mái về mặt tinh thần như thường xuyên sưu tập những câu chuyện hài, pha trò vui cười để hòa mình vào các hoạt động của học sinh, giúp quan hệ thầy - trò thật gần gũi.
THANH THU
Cô NGUYỄN THỊ BÍCH DIỆP, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (quận 6): Gặp học trò, mọi phiền muộn đều tan biến
Nhớ lại ngày đầu mới vào nghề, cô Diệp cho biết, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM, cô được phân công tác về Trường Tiểu học Bình Trị 1 (nay là quận Bình Tân). 7 năm gắn bó với học sinh ở đó là 7 năm cô quen với cảnh dắt xe máy lội bì bõm giữa dòng nước ngập, đất đỏ lầy lội, nhiều hôm vào đến trường cả hai tà áo dài ướt đẫm, lấm lem bùn đất. Nhiều lúc thấy cô cực quá, bạn bè khuyên nên đổi nghề nhưng cô vẫn một lòng bám trụ.
Cô Diệp tâm sự: “Những đứa trẻ ở đó đã để thương, để nhớ trong lòng tôi nhiều quá. Nhiều hôm sau giờ tan học, nhìn thấy các em cầm vé số đi bán, tôi không sao ngăn được nước mắt. Ở nhà có gì ngon, tôi cũng mang vào lớp cho học trò của mình”.
Trở thành giáo viên theo định hướng gia đình nhưng sau 15 năm gắn bó (năm 2006, cô Diệp chuyển công tác về Trường Tiểu học Nguyễn Huệ - PV), cô tự thấy mình đã yêu nó quá nhiều. Hạnh phúc lớn nhất mà nghề nghiệp mang lại không phải là những giải thưởng, thành tích mà chính tình cảm của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh mới là động lực giúp cô vượt qua mọi gian khó.
Ngoài những giờ dạy trên lớp, ngay cả thứ bảy, chủ nhật cuối tuần, cô cũng dành thời gian cho học trò. Khi thì giúp các em ôn bài chuẩn bị cho các cuộc thi tiếng Anh, giải toán qua mạng, lúc lại rủ học sinh đi xem phim, trượt patin, trò chuyện với các em qua facebook. “Cuộc sống đôi khi có chuyện buồn phiền, nhưng chỉ cần được gặp học trò, mọi phiền muộn đều tan biến”, cô Diệp cho biết.
Chia sẻ về kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy, cô cho biết, thay vì khi kiểm tra bài cũ, thầy cô chỉ đứng trên bục giảng đặt câu hỏi cho học sinh thì cô tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn giúp các em quên đi căng thẳng, ôn lại kiến thức cũ một cách tự nhiên, hào hứng.
Ví dụ như trò rồng rắn lên mây sẽ có một học sinh làm đầu tàu, vừa đi vừa hát: “Rồng rắn lên mây có cái cây nhúc nhích, có nhà toán học ở nhà không?”. Em này bất chợt dừng ở một học sinh nào đó, đọc câu hỏi do giáo viên chuẩn bị trước cho bạn mình trả lời. Nếu câu trả lời đúng, trưởng đoàn sẽ nói “chúc mừng bạn đã trở thành nhà toán học, mời bạn lên tàu”. Nếu câu trả lời sai, bạn sẽ được hẹn lại chuyến sau. Cứ thế học sinh nối đuôi nhau cho đến khi trả lời hết câu hỏi của cô giáo.
Một hình thức khác, cả lớp sẽ ngồi thành vòng tròn, vừa hát vừa truyền tay nhau một thẻ lệnh. Kết thúc bài hát, thẻ lệnh dừng ở bạn nào bạn đó đứng lên trả lời câu hỏi của cô giáo. Tiết học nhờ thế trở nên vui tươi, sinh động, tạo cho học trò sự tự tin, thoải mái, phát biểu sai cũng không sợ bị la.
Nhờ những sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi, cô đã được nhận bằng khen của UBND TPHCM về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục trong hai năm học 2011 - 2012, 2012 - 2013, đạt chiến sĩ thi đua cấp TP năm học 2011 - 2012, 100% phiếu tín nhiệm của hội đồng thi đua toàn trường và đánh giá tốt của cơ quan quản lý…
MINH QUÂN
Cô NGUYỄN THỊ TUYẾT TRINH - giáo viên Trường Mầm non 30-4, quận 1:
Hạnh phúc quanh học trò
Khi được hỏi về những được, mất của nghề, cô Tuyết Trinh cho biết nghề giáo đã cho cô quá nhiều ưu đãi, kinh nghiệm sống, tình cảm yêu thương của học trò, những mối quan hệ tốt với phụ huynh và đồng nghiệp. “Khi mình đã quá yêu một công việc nào đó, sẽ cảm thấy mọi thứ đều thuận lợi, khó khăn nào cũng vượt qua”, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé, làn da trắng, môi lúc nào cũng nở nụ cười cho biết.
Cô kể, nhiều trẻ sau khi học với cô một năm, lên các lớp lớn hơn vẫn gọi “mẹ Trinh ơi!”, “mẹ Trinh à!”. Có bé lên đại học vẫn quay về trường tìm cô. Cô nhìn trò không ra nhưng trò thì đi thẳng vào lớp, gọi đúng tên cô. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là cách đây 15 năm, lớp cô tiếp nhận một học sinh thuộc dạng chậm phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Mỗi ngày đến trường, bé đều không chịu vào lớp, không gần gũi, nói chuyện với bất kỳ ai.
Mỗi khi giáo viên muốn tiếp cận, bé còn có hành động đánh cô, gào khóc, quăng đồ chơi. Suốt 4 tháng liền, cô phải dùng hết sự kiên nhẫn của mình để quan sát từng biểu hiện của bé, áp dụng nhiều hình thức tiếp cận, dỗ dành để mở cửa bước vào thế giới của bé. Hiện nay bé đã lên cấp 3 và phát triển hoàn toàn bình thường so với các bạn đồng trang lứa, thỉnh thoảng vẫn quay về trường tìm cô. Đó là hạnh phúc mà không nghề nào có được!
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc trẻ, cô cho biết để việc giáo dục trẻ có hiệu quả, giáo viên phải chắc mớm từng kỹ năng cho bé ngay từ đầu năm, liên tục nghĩ ra nhiều hình thức tổ chức lớp học mới lạ để thu hút học trò. Ví dụ ở bài dạy tạo hình, thay vì giáo viên chỉ làm mẫu rồi yêu cầu học sinh bắt chước làm theo, cô sẽ làm trước nhiều hình mẫu như thế, dán quanh lớp học để vừa tạo không khí sinh động vừa giúp trẻ có ấn tượng về những nội dung cần truyền tải. Môi trường lớp học vì thế thường xuyên thay đổi, trong đó tận dụng cả những sản phẩm do học sinh làm ra nên các em vô cùng thích thú.
Hay chủ đề dạy trẻ tiết kiệm nước, cô sẽ lồng ghép nội dung bài dạy vào nhiều hoạt động chăm sóc, sinh hoạt tại lớp. Như khi trẻ uống nước, cô nhắc các em rót vừa đủ uống và chỉ ra hậu quả của việc lãng phí. Khi học sinh rửa tay, cô nhắc các em mở nước vừa đủ xài, tận dụng nước rửa đồ chơi để tưới cây… Ngoài ra, cô còn kêu gọi phụ huynh cùng phối hợp dạy dỗ các bé tại nhà để việc giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.
Cô Dương Thị Kim Phượng, một đồng nghiệp ở Trường Mầm non 30-4 nhận xét: “Cô Trinh là người điềm đạm, tận tụy với nghề, hết lòng giúp đỡ giáo viên trẻ. Nhà ở quận 12, quãng đường từ nhà đến trường hơn 12 km nhưng cô luôn có mặt ở trường đúng giờ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Đó chính là lý do vì sao liên tục trong nhiều năm liền, cô Tuyết Trinh được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT, bằng khen của UBND TPHCM và giấy khen của Liên đoàn Lao động quận 1 vì những sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển giáo dục của TPHCM.
THU TÂM