* Thầy NGÔ AN NINH, giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh): Với học trò, đúng sai đều phải nhẹ nhàng
Cả một đời gắn bó với nghề giáo, thầy Ngô An Ninh luôn tâm nguyện một điều phải dạy học bằng cái tâm, tình yêu thương học trò. Chia sẻ về công việc trồng người, thầy nói rằng phải lắng nghe những điều học sinh muốn nói và những phát biểu của các em, dù đúng hay sai, cũng phải nhận xét nhẹ nhàng. Có như thế, học trò không cảm thấy sợ và không xấu hổ trước mặt bạn bè. Chính tấm chân tình, sự nâng đỡ, dìu dắt của thầy đã tiếp sức cho học trò ham học và cố gắng học tốt môn Hóa.
Từ ngày ra trường (năm 1978) đến nay, được phân công về những trường THPT thuộc tốp trung bình trở xuống và đầu vào của học sinh thấp nhưng thầy luôn cố gắng tìm mọi cách truyền đạt kiến thức sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu. Chắt chiu từ những ngày gian nan cực khổ, đồng hành cùng học sinh yếu, thầy cũng tìm thấy niềm vui kết quả học tập ngày một cải thiện của các em.
Không dừng ở đó, thầy còn dốc sức chăm lo, bồi dưỡng học sinh giỏi của trường và đến năm 2005 - 2006 thành quả ấy đã nở hoa từ những nhọc nhằn, vượt khó. Đây là lần đầu tiên Trường THPT Phan Đăng Lưu có 3 học sinh đạt giải học sinh giỏi môn Hóa cấp TP và kết quả này thật đáng ghi nhận. Từ cột mốc này, mỗi năm Trường THPT Phan Đăng Lưu đều có học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa cấp TP và Olympic truyền thống 30-4. Với những gì thầy ươm mầm, vun trồng được, ngẫm lại thật khó tin.
Trên cương vị là tổ trưởng chuyên môn, thầy Ngô An Ninh đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ Hóa của trường đạt được nhiều thành tích, trong đó có 2 giáo viên đoạt giải nhất hội thi giáo viên giỏi cấp cụm và giải nhì hội thi giáo viên giỏi cấp TP. Bên cạnh đó, những chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá của thầy và đồng nghiệp cũng được đánh giá cao ở cấp cụm, cấp TP.
“Đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào việc soạn giảng, quản lý học sinh sẽ giúp cho bài giảng thêm phong phú. Hơn nữa, khi tiếp cận, nhìn thấy kết quả thực nghiệm rõ ràng, học sinh sẽ hứng thú học tập, phát triển khả năng tự học, khả năng tìm tòi thông tin. Tuy nhiên, nếu lạm dụng đèn chiếu, máy tính quá đà có thể làm cho tiết dạy giống như một buổi chiếu phim không hơn không kém thì không tốt” - Đó là tâm sự của thầy.
Dù có tiết dạy mẫu được đồng nghiệp đánh giá cao nhưng thầy cho rằng yếu tố thành công của tiết dạy không phải là dùng phương tiện hiện đại mà là sự chân tình của người thầy dành cho học trò của mình. Là kiến thức vững chắc của thầy trao lại cho học trò. Đối với những ai đã học với thầy Ngô An Ninh đều cảm nhận rõ nét tấm chân tình của một nhà giáo tận tụy vì học sinh. Qua từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói nhẹ nhàng, thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giúp các em khám phá tri thức, tự tin chuẩn bị hành trang vào đời.
Không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm, thầy đã đóng góp rất nhiều cho công tác chuyên môn, có uy tín trong bộ môn Hóa TP, tham gia thẩm định sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT… Đặc biệt trong năm học này, thầy còn thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học cấp TP với chủ đề “Sử dụng bảng tương tác trong quá trình soạn giảng môn Hóa lớp 11”. Không những thế, những sáng kiến và kinh nghiệm của thầy cũng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Những cống hiến của thầy cho sự nghiệp giáo dục TP thật đáng trân trọng, tri ân. Vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, thầy nói rằng dù sắp về hưu, nhưng vẫn cố gắng giảng dạy bằng cả tấm lòng, động viên cho thầy cô trẻ nhiệt tình, hết lòng với sự nghiệp trồng người.
KHÁNH HƯNG
* Cô NGUYỄN THỊ TUYẾT, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (quận Thủ Đức): Trăn trở với học sinh yếu
Bước vào nghề giáo chỉ với tấm bằng đào tạo giáo viên cấp tốc, nhưng bằng tố chất sư phạm bẩm sinh cùng nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ, cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tây (quận Thủ Đức) đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, được phụ huynh học sinh tin yêu.
Tất bật với những giờ dạy trên lớp, cô chỉ kịp dành chút thời gian chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm của 21 năm gắn với bục giảng. “Mình không được đào tạo sư phạm chính quy. Thời điểm những năm 1992 - 1993, quận Thủ Đức thiếu rất nhiều giáo viên. Lúc đó, mình tham gia lớp sư phạm cấp tốc do quận tổ chức rồi nhận công tác tại Trường Tiểu học Bình Chiểu. Khi ấy, khu vực này vẫn còn được xem là vùng sâu, vùng xa của thành phố nên nghèo lắm, số lượng học sinh đến trường không nhiều và đa phần các em đều bỏ học giữa chừng để phụ giúp cha mẹ việc đồng áng. Nhắc lại chuyện cũ để thấy, giáo viên như mình, khi nhận công tác ở đây phải vừa dạy, vừa đi vận động học sinh đến lớp”, cô Tuyết nhớ lại.
Gần chục năm sau, chương trình giảng dạy bắt đầu cải tiến, bắt buộc lứa giáo viên vốn được đào tạo cấp tốc ngày xưa cũng phải được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Thế là, cô tham gia học lấy bằng cử nhân tiểu học, hệ vừa học vừa làm do Trường Đại học Sư phạm TPHCM dạy.
Cô Tuyết cho biết: “Một tuần học trọn hai ngày thứ bảy và chủ nhật, còn lại mình vẫn phải đến trường giảng dạy cho các em học sinh. Thời gian một tuần lễ cứ như rút ngắn lại. Việc học, việc giảng dạy rồi việc nhà nhiều khi cứ dồn ứ lại, cũng có lúc căng thẳng lắm. Nhưng càng học, mình lại tiếp nhận được nhiều phương pháp sư phạm hay. Thuận lợi hơn là mình đang đứng lớp, nên cái gì hay mình vào lớp áp dụng ngay. Lấy công tác giảng dạy làm thực tế cho việc học, thấy hiệu quả vô cùng”.
Như lấy việc phụ đạo cho các em học sinh yếu làm ví dụ. Gần chục năm đứng lớp, cô Tuyết nhận ra rằng phần đông em học sinh yếu đều do các em thiếu tự tin khi học, lâu dần thành mất kiến thức, khiến các em thụt lùi so với bạn bè. “Nếu càng nhồi nhét, thúc ép các em học lại càng khiến các em mang tâm lý bất mãn. Mình không làm thế, người giáo viên phải gần gũi, trò chuyện thường xuyên để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các em mang tâm lý thiếu tự tin như vậy: vì mất căn bản, vì ảnh hưởng gia đình, hay vì chính cách dạy của giáo viên… Nắm được bệnh thì chữa bệnh cũng nhanh hơn. Không chỉ dành thêm giờ vào cuối buổi học để phụ đạo kiến thức cho các em, mà trong cách dạy các em trên lớp cũng thay đổi cho phù hợp. Bớt lý thuyết, công thức, thêm thực tế từ đời sống để các em có mối liên hệ”, cô Tuyết chia sẻ kinh nghiệm.
Bằng việc áp dụng nghiệp vụ sư phạm khoa học và thuần thục như vậy, nên năm nào học sinh yếu do cô giảng dạy đều có kết quả tốt. Có em sau vài năm được cô phụ đạo đã phát triển được năng khiếu học tập, một vài em còn đậu vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Bên cạnh đó, lớp học do cô Tuyết chủ nhiệm năm nào cũng có học sinh đạt giải cao trong cuộc thi giải Lê Quý Đôn.
HÂN NGUYỄN
* Cô HOÀNG THỊ LÂM, giáo viên Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) : Hóa giải những kiến thức khó thành dễ
Làm thế nào để học sinh thích học môn Địa lý và hiểu sâu bài giảng, không học đối phó? Muốn vậy phải thay đổi phương pháp giảng dạy, giúp học sinh khám phá tri thức chứ không phải nhồi nhét kiến thức, bắt học thuộc lòng, nhớ máy móc theo nội dung sách giáo khoa. Đó là tâm sự, chia sẻ của cô Hoàng Thị Lâm, người có 31 năm kinh nghiệm dạy môn Địa. Nhờ chăm chút, đầu tư cho từng bài giảng, chú trọng khai thác những vấn đề trọng tâm, rồi liên hệ thực tế, mở rộng kiến thức, cô đã biến nỗi sợ môn Địa thành thích học. Để học sinh hiểu kỹ bài giảng, cô đã thay đổi cách truyền thụ kiến thức, dạy học môn xã hội theo tư duy môn khoa học tự nhiên.
Và để học sinh cảm thấy nhẹ nhàng, bớt áp lực học thuộc lòng, những tiết giảng của cô thường gắn lý thuyết với thực hành, hóa giải những kiến thức khó thành dễ, những đề tài xa lạ thành gần gũi, bổ ích. Cụ thể như dạy về chủ đề giao thông vận tải, đường thủy, bộ… cô không chỉ phân tích số liệu, liên hệ thực trạng và lồng ghép kiến thức, giáo dục học sinh ý thức tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Phát huy tính sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, có tư duy độc lập, cô đã khuyến khích các em sưu tầm tư liệu, học theo nhóm.
Theo cô Lâm, trong mỗi lớp học thường có nhiều trình độ, năng lực học trò khác nhau và để kích thích sự ham học, cô luôn coi trọng kỹ năng giảng dạy, ứng xử thân thiện với các em. Nhờ rèn kỹ năng sử dụng Atlat Việt Nam cho học sinh hiểu bài, tư duy logic và ứng dụng các bài giảng theo phương pháp dạy học tích cực, soạn giáo án điện tử, những giờ giảng của cô luôn sinh động, hấp dẫn.
Do tâm lý coi môn Địa là môn phụ nên muốn “chiêu dụ” học sinh vào đội tuyển học sinh giỏi không dễ. Vậy mà, cô đã thành công, nhiều năm dẫn dắt đội tuyển của trường đi thi đấu, trong đó có 11 em mang về thành tích nổi trội-học sinh giỏi cấp TP. Làm công tác chủ nhiệm nhiều năm, cô đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu là phải gần gũi, chia sẻ với học trò và nâng đỡ từng hoàn cảnh khó khăn của học sinh.
Tuy nhà ở xa nhưng cô luôn vượt khó, nhiệt tình với công việc chuyên môn, hoàn thành xuất sắc công tác chủ nhiệm lớp. Nhiều năm liền đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp TP đã minh chứng sự nỗ lực, vươn lên không ngừng của cô Hoàng Thị Lâm. Sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, chăm lo bồi dưỡng học sinh giỏi của cô đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, vun trồng những thế hệ trẻ tự tin, có tri thức, có phẩm chất tốt, sống hữu ích cho xã hội và đất nước.
KHÁNH BÌNH