Gút phương án kỳ thi THPT Quốc gia 2016

* Hỗ trợ kinh phí cho các trường
Gút phương án kỳ thi THPT Quốc gia 2016

* Hỗ trợ kinh phí cho các trường

Ngày 21-3, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý thi THPT Quốc gia 2016 cho đại học (ĐH), học viện và các trường ĐH chủ trì cụm thi và các sở GD-ĐT trên cả nước. Cùng ngày, Bộ GD-ĐT cùng với các trường ĐH chủ trì các cụm thi phía Nam để thống nhất các phương án và nhiệm vụ tổ chức thi.

Tăng cán bộ giám sát, coi thi 

Theo Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2016, mỗi tỉnh, thành trực thuộc trung ương tổ chức 2 loại cụm thi: cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT và trường ĐH-CĐ khác tổ chức (cụm thi ĐH); cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH-CĐ tổ chức (cụm thi tốt nghiệp). Theo đó, năm 2016, tổng cộng cả nước có 50 cụm thi tốt nghiệp; trong đó, 14 tỉnh, thành phố như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…, nhiều địa phương không có cụm thi tốt nghiệp.

Cụm thi ĐH do các trường ĐH chủ trì có 70 cụm thi. Hà Nội là đơn vị chủ trì cụm thi ĐH nhiều nhất với 5 cụm thi do Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Lâm nghiệp và Học viện Kỹ thuật Quân sự chủ trì. Tại TPHCM có 4 cụm thi ĐH, trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì 3 cụm thi và 1 cụm thi do Trường ĐH Sư phạm TPHCM chủ trì. 

Để đảm bảo chất lượng công tác coi thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH chủ trì phải huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thi và ít nhất 1/2 tổng số cán bộ giám sát phòng thi ở mỗi điểm thi. Trường ĐH-CĐ phối hợp phải cử ít nhất 20% cán bộ tham gia coi thi và còn lại là giáo viên do sở GD-ĐT điều động.

TS Trần Trung Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, kiến nghị Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu để đảm bảo công bằng trong khâu chấm thi.

Về lịch thi và môn thi, Bộ GD-ĐT thống nhất tổ chức thi 8 môn, gồm: Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Trong đó, các môn Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, các môn Ngoại ngữ (thi viết và trắc nghiệm) thời gian làm bài 90 phút. Riêng đề thi môn Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Bộ GD-ĐT cũng thống nhất thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi bắt đầu từ ngày 1-4 đến ngày 30-4. Các đơn vị gửi giấy báo dự thi trước ngày 15-6. Các đơn vị hoàn thành chấm thi trước ngày 20-7. Hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp trước ngày 25-7. Các cụm thi in và trả giấy chứng nhận kết quả thi trước ngày 30-7.  Về chế độ ưu tiên, Bộ GD-ĐT vẫn giữ ổn định như năm 2015. Trong đó, học viên giáo dục thường xuyên tham gia đồng thời chương trình trung cấp với chương trình văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT được cộng điểm khuyến khích khi có chứng chỉ nghề.

Băn khoăn chuyện chấm thi

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT thống nhất thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ từ ngày 1-8. Các trường ĐH kết thúc xét tuyển vào ngày 20-10 và các trường CĐ kết thúc xét tuyển vào ngày 15-11.

Trong buổi làm việc với các trường ĐH vào chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Về kinh phí tổ chức kỳ thi, các trường sử dụng từ 2 nguồn: phí dự thi của thí sinh 35.000 đồng/môn thi/thí sinh và kinh phí bổ sung của Chính phủ là 25.000 đồng/môn thi/thí sinh. Chi phí đi lại, ăn ở của cán bộ điều động làm nhiệm vụ tổ chức thi do Bộ GD-ĐT chi trả. Các trường ĐH chủ trì cụm thi chịu trách nhiệm về in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, công bố kết quả thi, in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh…  Như vậy, năm 2016, các trường ĐH được giải quyết bài toán “bù lỗ” cho công tác tổ chức thi.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trường ĐH chủ trì có nhiệm vụ thành lập ban chấm thi, cử lãnh đạo trường làm trưởng ban chấm thi, đồng thời điều động giảng viên đủ năng lực và kinh nghiệm làm trưởng môn chấm thi. Cán bộ chấm thi là cán bộ của các bộ môn cơ bản của trường ĐH, CĐ và giáo viên THPT đáp ứng yêu cầu của quy chế thi. Trong đó, số giáo viên chấm thi của sở GD-ĐT không ít hơn 50% tổng số cán bộ chấm thi.

Về công tác chấm thi, nhiều trường ĐH được giao nhiệm vụ cho rằng Bộ GD-ĐT phải xem xét khâu chấm thi để tránh tình trạng giáo viên chấm thi không công bằng, dễ xảy ra tình trạng chấm “nới” cho học sinh của tỉnh mình. Minh chứng cho điều này, nhiều trường cũng đưa ra so sánh kết quả chấm thi năm 2015 giữa cụm thi ĐH và cụm thi tốt nghiệp có sự chênh lệch đáng kể. Trong khi đó, một số ý kiến khác cũng cho rằng các trường ĐH không thể đủ cán bộ để chấm thi. Việc điều động giáo viên hay tổ chức bốc thăm để tỉnh này chấm bài thi của tỉnh khác sẽ rất phức tạp, nhất là trong khâu vận chuyển và bảo quản bài thi.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, việc các trường băn khoăn khâu chấm thi là có cơ sở. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là chúng ta phải tin tưởng lẫn nhau. Hơn nữa, nếu làm tốt khâu coi thi và các trường giám sát kỹ khâu chấm thi thì có thể hạn chế được.

Cũng liên quan đến chấm thi, các trường cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem xét lại phần thi tự luận trong môn Ngoại ngữ. Thực tế mức độ đánh giá 20% phần tự luận tiếng Anh không cao nhưng lại thêm phức tạp về việc chấm thi. Do đó, môn Ngoại ngữ nên thi trắc nghiệm 100%. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng sẽ ghi nhận ý kiến của các trường và sẽ làm việc với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục