“Hà Nội 12 ngày đêm” khai mạc Tuần phim kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không

(SGGP).- Tối 13-12, Tuần phim kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chính thức khai mạc tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia với bộ phim truyện nhựa “Hà Nội 12 ngày đêm” và bộ phim tài liệu “Ký ức một thời”.

(SGGP).- Tối 13-12, Tuần phim kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chính thức khai mạc tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia với bộ phim truyện nhựa “Hà Nội 12 ngày đêm” và bộ phim tài liệu “Ký ức một thời”.

Phim truyện nhựa “Hà Nội 12 ngày đêm” (Đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc) là bộ phim đầy ắp chân dung của những con người bình dị, kiên cường, sống chết với thủ đô thân yêu trong thời khắc lịch sử hào hùng. Phim từng đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIV, tham dự 10 liên hoan phim quốc tế và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Nhân dịp này, Cục Điện ảnh đã tổ chức phổ biến rộng rãi những tác phẩm điện ảnh như: “Chuyện ở một vùng non cao”, “Hà Nội tháng Chạp năm ấy”, “Tầm nhìn trên cao”, “Hà Nội bản hùng ca”, “Năm 1972 lịch sử”… tại nhiều rạp chiếu cả nước.

Để tuần phim đến với đông đảo khán giả, đặc biệt là các khán giả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các lực lượng vũ trang hiện đóng tại địa phương, Cục Điện ảnh gửi nhiều băng đĩa được sao in tới tất cả các đội chiếu bóng lưu động của Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành. Tuần phim kéo dài tới hết 18-12.

* Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Đài PTTH Hà Nội, phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân, Sư đoàn 361 tổ chức cầu truyền hình đặc biệt, với tên gọi “Bản hùng ca Hà Nội” tối 16-12. Khác với những chương trình trước đây, “Bản hùng ca Hà Nội” không diễn ra trong những khán phòng, studio được bài trí trang trọng và có phần cứng nhắc mà thay vào đó với 6 điểm cầu là 6 trận địa, lịch sử khác nhau nhằm tái hiện cho khán giả những hình dung chân thật hơn về những trang sử hào hùng, những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta.

Đó là 6 điểm cầu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Sư đoàn 361, Bảo tàng Chiến thắng B52, Đài tưởng niệm Khâm Thiên, Trận địa tên lửa Chèm, hồ Hữu Tiệp. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là điểm cầu chính.

Những bối cảnh ở 6 điểm cầu sẽ luôn thay đổi sau mỗi cuộc trò truyện để tăng thêm sự sinh động. Điển hình, trong cuộc trò truyện với bà Phạm Thị Viễn (nữ tự vệ đã bắn rơi chiếc máy bay F111), ê kíp thực hiện sẽ cùng trò truyện với bà Viễn tại chính khẩu pháo mà cách đây 40 năm bà đã bắn rơi chiếc máy bay F111; hay cuộc trò chuyện với nhân chứng lịch sử ngay trên một chiếc xe điều khiển; hoặc câu chuyện của nhạc sĩ Phú Quang ngay tại căn nhà của ông đã từng bị bom san bằng trong những ngày lịch sử của năm 1972… Cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội” sẽ có thời lượng 150 phút, trên kênh 1 và 2 Đài PTTH Hà Nội. Đài PTTH Đồng Nai, Quảng Trị, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên… tiếp sóng.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục