Hà Nội muốn "đánh thức" di sản công nghiệp

Theo Sở VH-TT Hà Nội, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề “dòng chảy” sẽ được khai mạc vào ngày 17-11 tới đây. Hơn 200 các đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo tham gia sự kiện này.
Họp báo giới thiệu lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023
Họp báo giới thiệu lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023

Đây là hoạt động thường niên của TP Hà Nội nhằm triển khai kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng và sáng tạo, nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuyến trải nghiệm của lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hoá lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo ban tổ chức, chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng chờ được đánh thức. Đây là cơ hội để tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo; tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư; thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.

Với tầm nhìn chuyển đổi này, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn của lễ hội năm nay. với các hoạt động trình diễn của cộng đồng, kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại.

Bên cạnh đó, một điểm nhấn đáng chú ý là cuộc trưng bày “Sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu”, một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước.

Đồng thời, từ ngày 17-11 đến ngày 26-11, sẽ có hàng trăm hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, chuỗi sự kiện cộng đồng được tổ chức tại các địa điểm chính của lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân; ga Long Biên và ga Gia Lâm; các quận huyện thị xã tại Hà Nội.

Đặc biệt, trong lễ hội này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức tuyến tàu hỏa từ nhà ga Long Biên qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm. Các toa tàu sẽ được trang trí nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ sĩ trên các toa tàu, tạo nên ấn tượng cho những người trải nghiệm.

Tin cùng chuyên mục