Dù thời gian qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hạ tầng bên ngoài kết nối đến KCX-KCN, nhưng hạ tầng bên ngoài, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ với sự phát triển của KCX-KCN. Điều này đang gây ảnh hưởng đến việc thông thương hàng hóa của doanh nghiệp ở các KCX-KCN, cũng như việc thu hút đầu tư…
Nắng bụi, mưa lầy
Vào một ngày cuối tháng 2, có mặt tại đường Tam Tân, một trong những tuyến đường hàng rào kết nối KCN Tân Phú Trung thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM, hình ảnh hiện ra trước mắt là con đường đất đỏ có đoạn lởm chởm đá mi, đoạn đất đỏ chỗ cao, chỗ thấp đi lại hết sức khó khăn. Tại đây, giữa cái nắng oi ả, một chiếc ô tô tải chạy qua làm bụi bay mù mịt khiến người đi đường phải dùng tay, khẩu trang bịt mũi, cũng như tấp vào lề đường tránh bụi.
Anh N.V.Hùng, một người dân sống khu vực này than vãn: “KCN hình thành đã chục năm nay, nhưng đến nay con đường chạy quanh vẫn chưa được xây dựng, mỗi khi nắng thì bụi bay mù mịt, còn mưa thì đường thành những vũng nước khiến phương tiện chở hàng hóa ra vào các nhà máy trong KCN, cũng như công nhân đi lại làm việc gặp rất nhiều khó khăn”.
Còn đối với tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, một trong những tuyến đường kết nối ra vào KCX Tân Thuận, quận 7 dù là tuyến đường nhựa nhưng sau nhiều năm sử dụng hiện đã xuống cấp và chật hẹp. Tại tuyến đường này, vào những ngày có triều cường hoặc mưa lớn là bị ngập nước, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của công nhân, cũng như các phương tiện chở hàng hóa ra vào KCX Tân Thuận.
Chưa hết, do đây là trục đường chính có lượng phương tiện lưu thông đông, đường lại hẹp nên cứ sau mỗi giờ công nhân tan tầm ngay tại khu vực cổng ra vào KCX, nhất là đoạn từ cổng KCX Tân Thuận về cầu Tân Thuận 1 thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo UBND TPHCM ngày 21-2, lãnh đạo một công ty nước ngoài hoạt động tại KCX Tân Thuận than phiền: “Hiện nay, tại một số tuyến đường quanh KCX Tân Thuận thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, cũng như việc đi lại của công nhân, mong TP xem xét giải quyết”.
Tương tự, đối với KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, dù được thành lập được hơn 15 năm nay nhưng hiện nay con đường Nguyễn Thị Tú dẫn vào cổng phụ KCN vẫn chưa được nâng cấp mở rộng, nên vào giờ tan tầm khi công nhân ra về kết hợp lượng phương tiện của người dân lưu thông trên đường khiến tuyến đường trở nên quá tải.
Chưa tương xứng sự phát triển
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 16 KCX-KCN được thành lập, trong đó có 12 KCX-KCN hiện hữu đang hoạt động, 4 KCN đang xây dựng hạ tầng (An Hạ, Phong Phú, Tân Phú Trung, Đông Nam).
Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì định hướng đến năm 2020 TPHCM có thêm 7 KCN thành lập mới với tổng diện tích 1.569ha gồm: Phú Hữu, Bàu Đưng, Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng, Vĩnh Lộc 3, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3 và một KCN chuyển đổi từ cụm công nghiệp với diện tích 100ha là Cụm Cơ khí ô tô TPHCM. Như vậy, đến năm 2020 TPHCM sẽ có tổng cộng 24 KCX, KCN tập trung với tổng diện tích 6.142ha.
Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, trong thời gian qua, TP đã nỗ lực xây dựng hạ tầng bên ngoài kết nối đến KCX-KCN. Tuy nhiên, hạ tầng bên ngoài, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ với sự phát triển của KCX-KCN. Một số dự án kết nối giao thông đến các KCX-KCN chậm triển khai do chưa được bố trí vốn như dự án đường Huỳnh Tấn Phát (KCX Tân Thuận), Nguyễn Thị Tú (KCN Vĩnh Lộc), dự án nâng cấp và mở rộng tuyến Tỉnh lộ 8 (đoạn từ Tỉnh lộ 9 đến hết ranh KCN Đông Nam, kéo dài đến KCN cơ khí ô tô), dự án đường Tam Tân để kết nối giao thông KCN Tân Phú Trung…
Do đó, Ban Quản lý các KCX-KCN sẽ phối hợp sở, ngành hoàn thiện các công trình hạ tầng kết nối đến các KCX-KCN. Về vấn đề này, Ban Quản lý các KCX-KCN đề xuất UBND TP quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối đến KCX-KCN.
ĐÌNH LÝ