Hạn chế “kính thưa”

Lâu nay khi dự các buổi lễ kỷ niệm, đón nhận danh hiệu, khen thưởng… chúng ta vẫn thường phải chứng kiến các nghi thức rườm rà, và phải nghe các đại biểu phát biểu dông dài, mất nhiều thời gian. Một tháng nữa, từ ngày 16-12-2013, việc tổ chức các buổi lễ sẽ được điều chỉnh bằng quy định pháp luật.

Lâu nay khi dự các buổi lễ kỷ niệm, đón nhận danh hiệu, khen thưởng… chúng ta vẫn thường phải chứng kiến các nghi thức rườm rà, và phải nghe các đại biểu phát biểu dông dài, mất nhiều thời gian. Một tháng nữa, từ ngày 16-12-2013, việc tổ chức các buổi lễ sẽ được điều chỉnh bằng quy định pháp luật.

Ngày 29-10-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2013/NĐ-CP (NĐ 145/2013) quy định về việc tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. NĐ 145/2013 gồm 14 chương và 62 điều, áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân. Như vậy, phạm vi áp dụng của NĐ 145/2013 khá rộng, ngoài các cơ quan, tổ chức nhà nước thì các tổ chức kinh tế tư nhân cũng phải tuân thủ.

Nghị định 145/2013 quy định khá chi tiết về hình thức tổ chức, trình tự tiến hành các buổi lễ. Theo đó, về trang phục, khuyến khích khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ mặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo, lễ phục lực lượng vũ trang nhân dân; đeo huân chương, huy chương và không dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực. Trường hợp có chương trình biểu diễn nghệ thuật phải phù hợp với nội dung buổi lễ, thời gian biểu diễn không quá 30 phút và phải được ghi rõ trong giấy mời. Đặc biệt, NĐ 145/2013 không cho phép tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo); và không tổ chức chiêu đãi, trừ trường hợp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh. Như vậy, khi tổ chức lễ kỷ niệm, đón nhận khen thưởng… các doanh nghiệp không được tặng túi quà cho khách mời mang về. Những quy định này nhằm mục đích tránh lãng phí và thực hành tiết kiệm khi tổ chức các sự kiện, chương trình. Tuy vậy, cũng có một số ý kiến trái chiều cho rằng quy định như vậy sẽ không phù hợp với các đơn vị tư nhân, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài…

Nghị định 145/2013 cũng quy định rất chi tiết về trình tự tiến hành lễ kỷ niệm nhằm giúp đơn giản hóa thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian. Đáng chú ý là việc quy định khi làm lễ chào cờ, các đại biểu dự lễ phải hát Quốc ca. Lâu nay nhiều nơi đã sử dụng bài Quốc ca được ghi âm sẵn khi thực hiện nghi thức chào cờ, đại biểu dự lễ không hát hoặc chỉ nhép môi theo nhạc. Với quy định này, nghi lễ chào cờ sẽ được thực hiện trang nghiêm hơn và thể hiện được lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân. Một điểm đáng lưu ý nữa là khi đại biểu trình bày diễn văn hoặc báo cáo, chỉ kính thưa họ tên và chức danh lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở Trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Trong thực tế, không ít đại biểu khi phát biểu thường mất nhiều thời gian để “kính thưa”, khiến cho buổi lễ bị kéo dài không cần thiết và tạo nên sự phản cảm đối với nhiều người tham dự. Quy định này sẽ hạn chế số lần “kính thưa”, tuy nhỏ nhặt nhưng lại tiết kiệm được nhiều thời gian và giúp buổi lễ không trở nên nhàm chán.

Do đã quy định khá chi tiết nên NĐ 145/2013 không cần thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, nghị định cũng không quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm. Theo giải thích của các nhà làm luật, việc không quy định chế tài là do nghị định chỉ mang tính chất vận động, khuyến khích người dân thực hiện. NĐ 145/2013 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 16-12-2013. Hy vọng rằng với những điểm mới của NĐ 145/2013, việc tổ chức các nghi lễ sẽ đi vào nền nếp và quy củ, hạn chế được tình trạng lãng phí đã và đang diễn ra.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục