Năm 2011, Chính phủ chủ trương đảm bảo ổn định nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và GDP. Trong đó, ưu tiên nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, hoặc sản xuất không đủ, như vật tư, thiết bị, công nghệ tiên tiến, xăng dầu, phân bón, thép, nguyên liệu dệt may. Song song đó, Chính phủ cũng chủ trương hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, như nguyên phụ liệu thuốc lá, hàng tiêu dùng, ô tô dưới 12 chỗ, linh kiện ô tô, xe máy, rượu bia, mỹ phẩm…
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương (công bố rộng rãi trên báo chí), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2011, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu gần 1,1 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu 10.600 ô tô các loại, với tổng giá trị khoảng 180 triệu USD; trên 266.000 điện thoại di động, kim ngạch nhập khẩu gần 7 triệu USD, nhiều hơn năm trước 177,4%. Các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu cũng tăng vọt, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ gần 3,42 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ. Riêng mỹ phẩm trang điểm tăng tới 111,3%; các loại dầu gội, dưỡng tóc tăng 69,9%.
Rõ ràng, trong bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường nhập khẩu là việc tất yếu. Song các số liệu nêu trên cho thấy nhóm mặt hàng đã có chủ trương hạn chế nhập khẩu còn tăng hơn so với cùng kỳ. Một lượng lớn ngoại tệ được sử dụng không đúng chủ trương tiết kiệm của Chính phủ.
Phải chăng các cơ quan có trách nhiệm, chưa kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng hạn chế nhập khẩu; các tổ chức và cá nhân chưa đẩy mạnh sử dụng hàng trong nước sản xuất, kể cả việc yêu cầu các nhà thầu dùng thiết bị trong nước. Đồng thời ngành chức năng cũng chưa quản lý chặt chẽ việc cấp phép nhập khẩu và có biện pháp phù hợp để kiểm soát, điều tiết việc cho vay nhập khẩu đối với các loại hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm không thiết yếu.
“Tiết kiệm là yêu nước”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không chỉ có khẩu hiệu, hô hào mà phải bằng hành động thực tế. Phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức của người tiêu dùng; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó phải nâng được sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Có như vậy, chủ trương tiết kiệm, hạn chế nhập khẩu (các mặt hàng không thiết yếu) của Chính phủ mới trở thành hiện thực.
TRẦN MINH THI
>> Ăn nhậu quá đà gây lãng phí