Hiện nay, chương trình bình ổn giá của TPHCM đã “phủ sóng” rộng, mạnh đến khắp các quận, huyện trên địa bàn TP. Mọi đối tượng trong xã hội như công nhân, người lao động có thu nhập thấp… đều được hưởng những ưu đãi, quyền lợi từ chương trình bình ổn đem lại.
Tỏa khắp “vùng sâu, vùng xa”
Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP có trên 2.550 điểm bán hàng bình ổn giá. Trong số đó, có gần 900 điểm bán hàng bình ổn giá tại 151 chợ truyền thống; 456 điểm bán hàng tại các huyện, quận ngoại thành. Việc mở rộng các chương trình bình ổn giúp người thu nhập thấp, sinh viên… có cơ hội tiếp cận các mặt hàng giá rẻ, cải thiện cuộc sống.
Liên tiếp vào đầu năm 2012, tại hàng loạt quận, huyện được xem là vùng sâu, vùng xa của TP như: huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ…đã khai trương các điểm bán hàng bình ổn thị trường. Chẳng hạn như: ngày 11 và 12-1, lần lượt ra mắt Cửa hàng tiện ích thanh niên tại ấp 6, xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) và xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi); ngày 12-1 khai trương và đi vào hoạt động siêu thị Co.opMart Cần Giờ - chuỗi siêu thị thứ 57 của Saigon Co.op…
Riêng đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp như: Bình Chiểu, Linh Trung (Thủ Đức); Hiệp Phước (Nhà Bè); Lê Minh Xuân (Bình Chánh) các điểm bình ổn đã phủ khắp và “cắm chốt”chắc chắn. Hiện tại đã có 1 siêu thị và 8 cửa hàng bình ổn. Được biết, dự tính đến cuối tháng 4-2012, cửa hàng bình ổn giá sẽ phủ kín 13/13 khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, chương trình dự định triển khai đưa hàng hóa bình ổn thị trường vào bếp ăn tập thể phục vụ công nhân. Ngoài ra, các chuyến bán hàng lưu động ra khu vực ngoại thành sẽ tiếp tục được thực hiện.
“Trước đây, hàng bình ổn thị trường chỉ được biết trên đài, TV, nhưng nay người lao động như chúng tôi cũng mua được. Đôi khi tìm mua hàng ngoài chợ không có, nhưng vào siêu thị có đủ thứ; được chọn lựa thoải mái, không phải trả giá” – chị Lê Thị Lan, người dân sống tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè cho biết.
Hiệu quả, thiết thực
Nội thành tập trung nhiều các siêu thị, cửa hàng, nhưng đối tượng mua hàng vô cùng đa dạng, phong phú. Khi chương trình bình ổn giá diễn ra, không phải người dân nào cũng có cơ hội mua hàng giá rẻ, nhất là người thu nhập thấp. Vô hình trung, những điểm ưu việt nhất của chương trình bình ổn giá (hướng tới người lao động, người thu nhập thấp…) lại bị bó buộc, hạn chế.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay sau khi khai trương siêu thị Co.opMart Cần Giờ, người dân đến mua hàng rất đông. Thậm chí có những người bồi hồi xúc động tới rơi nước mắt vì những ưu đãi, quan tâm của TP đối với người dân xã đảo. Anh Hoàng Văn Xuân, người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ tâm sự: “Trước đây tôi và gia đình thường phải đi rất xa mới mua được hàng hóa. Thỉnh thoảng vào cuối tuần, cả gia đình tranh thủ vào nội thành vừa để dạo mát, vừa để con gái tôi biết siêu thị là thế nào. Nhưng hiện nay, có Co.opMart Cần Giờ rồi thì chúng tôi không phải đi xa nữa”.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè: Người dân ngày càng yêu thích, tin tưởng hàng bình ổn giá. Thông tin về các mặt hàng rau, củ quả, thịt heo…chứa chất độc đẩy người dân đến với hàng bình ổn nhiều hơn. Trước đây, các mặt hàng bình ổn giá không thực sự thu hút vì người dân thờ ơ, các phương tiện truyền thông không nói tới nhiều, nhưng hiện nay thì khác hẳn. Hầu hết các mặt hàng bình ổn đa phần là hàng Việt, chất lượng, bền đẹp nên phù hợp với người dân nông thôn.
Còn ông Mai Xuân Tân, Phó Chủ tịch xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn nhấn mạnh: Các điểm bán hàng bình ổn đã tạo sự yên tâm cho bà con trong xã. Các bệnh dịch, thịt “bẩn” vừa qua là mối kinh hoàng. Người dân chắc chắn sẽ chọn hàng bình ổn giá như một kênh mua sắm an toàn, tiện lợi, thiết thực. Tuy nhiên,nên hăng TP cũng cần đẩy mạnh các mặt hàng này hơn nữa trong thời gian tới.
TRUNG NGUYỄN