Buôn lậu biên giới Tây Nam

Hàng lậu “chảy vào”, xăng dầu “chảy ra”

Hàng lậu “chảy vào”, xăng dầu “chảy ra”

Ngày 27-6, tại cuộc họp đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại các tỉnh biên giới Tây Nam (từ tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước đến Kiên Giang) do Ban chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức ở TPHCM, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, nhấn mạnh: Buôn lậu qua tuyến biên giới Tây Nam những tháng đầu năm 2005, về quy mô có giảm xuống, nhưng tính chất vẫn phức tạp, phương thức và thủ đoạn tinh vi, tổ chức chặt chẽ hơn.

  • Hàng lậu biên giới tiếp tục “chảy vào” nội địa

Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Tây Ninh Đỗ Thanh Hòa cho biết, hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, bột ngọt, tân dược, hàng điện máy, mỹ phẩm... Tại các xã biên giới Long Thuận, Long Trữ (huyện Bến Cầu), Long Vĩnh, Ninh Điền (huyện Châu Thành), Cẩm Giàng, Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), những tháng đầu năm nạn buôn lậu có xu hướng gia tăng.

Hàng lậu “chảy vào”, xăng dầu “chảy ra” ảnh 1

Hải quan cửa khẩu Thường Phước 1 - Đồng Tháp bắt giữ hàng lậu.

Hàng lậu thường được giấu trong nhà dân, khi có cơ hội, các đối tượng dùng xe gắn máy đưa hàng vào sâu nội địa. Trên tuyến đường xuyên Á từ Gò Dầu (Tây Ninh) về TPHCM, hàng lậu được vận chuyển bằng nhiều hình thức: dùng xe mô tô thiết kế phụ (bình xăng và yên xe rỗng) để chứa hàng; giả dạng sinh viên, khách du lịch để mang hàng lậu trên xe ô tô, xe khách chạy tốc hành, xe du lịch...

Việc cho phép mua 500.000 đồng hàng hóa biên giới (không tính thuế) tạo kẻ hở khi người dân tại chỗ mua thuốc lá, rượu ngoại... nhiều lần trong ngày và bán cho những đầu nậu ngay tại quán cà phê gần cửa khẩu. Quy định này trở thành một kênh chính thức thẩm lậu hàng trốn thuế qua biên giới.

Tại tỉnh Đồng Tháp, từ tháng 4 đến nay, tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng mạnh. Các kho chứa dọc biên giới thường xuyên trữ hàng, khi có điều kiện thuận lợi là chuyển hàng vào nội địa. Thuốc lá là mặt hàng nhập lậu phổ biến nhất, kế đến là tân dược, phụ tùng xe gắn máy, máy nổ đã qua sử dụng...

Ở tỉnh An Giang, dù nhiều mặt hàng (vải, quần áo cũ, mỹ phẩm, hàng điện tử...) đang ở trong tình trạng lắng dịu, nhưng buôn lậu thuốc lá, đường cát và điện thoại di động lại có chiều hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc), Vĩnh Xương (Tân Châu), Khánh Bình (An Phú), Xuân Tô (Tịnh Biên)...

  • Xăng dầu trong nước “chảy qua” biên giới

Tỉnh Kiên Giang cho biết, ngoài biên giới đất liền giáp Campuchia, Kiên Giang còn có vùng biển rộng 62.000km2 giáp với Thái Lan, Campuchia, Malaysia. Nếu hàng lậu “chảy vào” là thuốc lá, đường, mỹ phẩm, trái cây... thì hàng lậu “chảy ra” là xăng dầu.

Vừa qua biên giới Campuchia, 1 lít xăng lời 1.000 đồng, vào sâu hơn là 2.000 đồng - 5.000 đồng/lít. Người dân địa phương thường mua và vận chuyển một vài can xăng, nhiều lần trong ngày. Trong khi đó, 8 cây xăng dọc biên giới có dấu hiệu xuất qua biên giới. Thống kê một cây xăng dọc biên giới mỗi tháng bán ra 300.000 lít xăng, tức là bán 10.000 lít xăng/ngày, trong khi dân số ở đây không nhiều.

Những cây xăng sâu trong nội địa lại có dấu hiệu tập kết xăng bằng xe bồn ra bờ biển và đưa xuống tàu. Kiên Giang có vài chục tàu chuyên cung cấp xăng dầu cho các tàu khai thác ngoài khơi, nhưng đây là một “ẩn số” chưa có lời giải, vì không ai kiểm soát nổi số tàu này thực sự bán cho ai...

Tại Tây Ninh, việc buôn lậu xăng dầu tập trung nhiều tại Chằng Riệc, Lò Gò, Tân Phú (huyện Tân Biên và Tân Châu). Các đối tượng tổ chức thành những nhóm theo dõi động tĩnh của các cơ quan chống buôn lậu, dùng xe đạp thồ, xe gắn máy chuyển xăng trên những can 30 lít chạy qua biên giới và sẵn sàng chống trả khi bị thu giữ hàng hóa.

Các đối tượng buôn lậu ở các huyện dọc biên giới tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang lén lút vận chuyển hàng vào ban đêm trên các phương tiện xuồng máy. Dù lượng xăng xuất lậu một lần không nhiều, nhưng diễn ra thường xuyên tại nhiều địa điểm nên tổng lượng xăng dầu xuất lậu qua biên giới tính ra không nhỏ.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, khó khăn việc chống buôn lậu qua biên giới không chỉ vì cơ chế chưa rõ mà vì không ít địa phương chưa nghiên cứu kỹ hoặc nắm bắt những quy định mới của nhà nước. Có thể khái quát việc buôn lậu qua biên giới Tây Nam những tháng đầu năm 2005: giảm về quy mô, nhưng tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi và tổ chức chặt chẽ hơn so với những năm trước. Cuộc chiến với buôn lậu ngày càng khốc liệt hơn...  

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục