Một trường đại học trọng điểm của Bộ Công thương đã liên kết tuyển sinh, đào tạo 10 khóa liên tục và cấp bằng cho gần 2.000 cử nhân chương trình quốc tế. Thế nhưng chương trình này chưa có giấy phép và những sinh viên tốt nghiệp đang như ngồi trên lửa khi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) không công nhận bằng của chương trình này.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) không công nhận bằng cử nhân do Tafe SA cấp.
Liên kết đào tạo với công ty
Liên tục 10 khóa học, từ năm 2001 đến 2010, Trường CĐ Công nghiệp IV (nay là Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) đã tổ chức đào tạo ngoài luồng chương trình cử nhân cao đẳng với Học viện Nam Úc (Tafe SA thuộc Australia) các ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng. Đáng nói là Trường ĐH Công nghiệp TPHCM không trực tiếp liên kết với Tafe SA mà ký hợp đồng liên kết đào tạo với Công ty Humanagerment PTY.LTD tại Nam Úc để thực hiện chương trình.
Theo tài liệu chúng tôi xác minh, tháng 5-2000, Bộ GD-ĐT có công văn số 3429 trả lời công văn của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) và Trường CĐ Công nghiệp IV đồng ý cho Trường CĐ Công nghiệp IV liên kết với Trường ĐH Công nghệ Victoria (Australia) để mở các khóa học cấp bằng cao đẳng Công nghệ thông tin, Công nghệ hóa học, Kỹ thuật môi trường, Cơ khí chính xác, Điện - điện tử, Kinh tế và quản lý.
Cũng trong công văn này, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Đối với liên kết đào tạo với bang Nam Úc, hiện nay Bộ GD-ĐT chưa ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với bang Nam Úc nên chưa có cơ sở pháp lý để cho phép trường triển khai hợp tác”. Như vậy, Tafe SA không được Bộ GD-ĐT cho phép liên kết đào tạo nhưng Trường CĐ Công nghiệp IV vẫn âm thầm tuyển sinh, đào tạo.
Đại diện của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết: Tại thời điểm 2001, chưa có các quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài và muốn liên kết phải có công văn xin Thủ tướng. Hơn nữa, lúc đó Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng đã liên kết với Tafe SA nên chúng tôi nghĩ trường cùng một bộ nên cứ làm, miễn là chương trình giảng dạy giống nhau.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm năm 2001, các quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài đã có đầy đủ và chi tiết. Cụ thể, để quản lý việc liên kết đào tạo với nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định 18 ban hành ngày 4-5-2001 về lập và hoạt động của các cơ sở văn hóa giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Để thực hiện nghị định này, Bộ GD-ĐT ra Thông tư 15 ban hành ngày 31-3-2003 hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 18 của Chính phủ. Trong đó, Thông tư 15 hướng dẫn khá đầy đủ các thủ tục, quy trình xin phép liên kết đào tạo với nước ngoài. Rất tiếc là lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM lại không nắm rõ các quy định này và tiến hành liên kết đào tạo sai quy định.
Ai bảo vệ quyền lợi người học?
Theo chúng tôi tìm hiểu, chương trình trên liên kết được 10 khóa (bắt đầu từ năm 2001 và kết thúc năm 2010) và đã có 1.965 sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này. Theo hợp đồng ký kết giữa Trường ĐH Công nghiệp TPHCM và Công ty Humanagerment PTY.LTD, sinh viên được học tại cơ sở chính số 12 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp TPHCM. Mức học phí khởi điểm là 200 USD và sau đó tăng lên 600 USD/năm.
Một sinh viên tốt nghiệp từ chương trình liên kết nói trên trong năm 2009 cho biết: “Cho đến khi nhận được công văn (ngày 27-8-2014) trả lời của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) thì tôi mới té ngửa khi biết chương trình mình học chưa có giấy phép và bằng của Tafe SA cấp cũng không được công nhận”.
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) trả lời với sinh viên trên: “Văn bằng CĐ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của em được cấp bởi chương trình liên kết giữa Trường ĐH Công nghiệp TPHCM và Học viện Nam Úc (Australia) không có tên trong danh sách các chương trình liên kết đã được Bộ GD-ĐT cho phép”. Căn cứ khoản a, điểm 1, Điều 3 của Quyết định 77 (về văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp), văn bằng được công nhận khi nó được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng”, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định “Văn bằng của em chưa đủ điều kiện để công nhận”.
Như vậy, căn cứ theo các quy định hiện hành của Chính phủ và của Bộ GD-ĐT thì tất cả bằng cử nhân của gần 2.000 sinh viên đã tốt nghiệp từ chương trình Tafe SA tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM hoàn toàn không hợp pháp. Như vậy nguy cơ quyền lợi của gần 2.000 cử nhân bị mất trắng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người học vì họ vừa mất tiền và thời gian để lấy được tấm bằng nhưng có cũng như không. Vậy trước tiên phải là cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm vì cố tình làm sai quy định. Nếu cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm một thì cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm gấp đôi. Bộ GD-ĐT và Bộ Công thương làm gì khi suốt từ năm 2001 đến 2010, một chương trình đào tạo ngoài luồng, tuyển sinh và “sản xuất” ra gần 2.000 cử nhân nhưng không hay biết? Và như chúng tôi được biết, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã bị thanh tra nhiều lần, trong đó có Thanh tra Bộ Công thương, Thanh tra Bộ GD-ĐT. Vậy mà những sai phạm này vẫn không được phát hiện một cách khó hiểu!
Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Lê Văn Tán, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: “Dù đây là hậu quả của hiệu trưởng cũ nhưng chúng tôi xin nhận khuyết điểm về thực hiện chương trình liên kết đào tạo với Tafe SA khi chưa có giấy phép của Bộ GD-ĐT. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, chúng tôi sẽ báo cáo toàn bộ sự việc và kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét có hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của sinh viên đã học chương trình này”.
THANH HÙNG