Hãng phim TFS nỗ lực “hồi sinh” thương hiệu

Hãng phim TFS nỗ lực “hồi sinh” thương hiệu

Thành lập từ năm 1991, là một trong những hãng phim truyền hình tiên phong trong việc sản xuất phim, Hãng phim TFS thuộc Đài Truyền hình TPHCM (HTV). Sau 25 năm thành lập, giờ đây TFS đang đứng trước bài toán “tồn tại hay không tồn tại” và TFS phải làm thế nào để tồn tại, nếu muốn?

Con số... thụt lùi

Dù được xem là một phòng - ban trực thuộc HTV nhưng đã trở thành “nếp”, cứ mỗi độ xuân, TFS lại thực hiện bộ lịch nhằm giới thiệu những bộ phim do TFS sản xuất, sẽ phát sóng trong năm. Nhưng đến năm 2016 này, thông lệ ấy không còn. Hỏi ra mới hay, “TFS không có phim làm sao làm lịch!”. Nghe trong thanh âm câu trả lời ấy chút xót xa, tiếc nuối...

Điểm lại tình hình sản xuất phim của TFS trong 5 năm gần đây mới thấy số lượng giảm đáng kể. Từ trung bình 315 tập phim truyện/năm (với phim tài liệu 120 tập/năm), đến năm 2011 còn 205 tập; năm 2012 là 189 tập; năm 2013 còn 161 tập; năm 2014 còn 158 tập và năm 2015 chỉ còn 131 tập. Năm 2016, TFS dự kiến sản xuất hai phim (tổng cộng 60 tập) nhưng “không chắc sẽ được duyệt”. Riêng mảng phim tài liệu, cũng như 2 năm trước, năm nay TFS còn giữ kế hoạch sẽ thực hiện 80 tập.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc TFS ngày càng đi vào “lối cụt”, ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng giám đốc HTV, cho biết: “Phim của TFS phát sóng không thu được quảng cáo, đồng nghĩa với việc thu không đủ bù chi, vì vậy lấy kinh phí đâu để tái sản xuất?”. Lâu nay, chi phí sản xuất phim của TFS được HTV cấp 180 triệu đồng/tập. Tính sơ bộ, một phim dài 30 tập tốn hết 5,4 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu của phim truyền hình lấy từ quảng cáo nên không có quảng cáo quả là khó cho nhà sản xuất. Phim TFS từ khi chuyển phát sóng sang khung 17 giờ 30 trên HTV9 (những năm trước là 18 giờ), lượng quảng cáo giảm và gần như mất luôn. Thêm vào đó, khâu thông tin quảng bá nội dung, giờ phát sóng những phim của TFS (do Trung tâm Dịch vụ quảng cáo của HTV phụ trách) hầu như không có.

Một cảnh trong phim Không có gì và không một ai của TFS

Lãnh đạo TFS cho biết: “5 - 6 năm trước, phim truyện TFS có thể thu 300 - 400 triệu đồng/tập, nhưng từ năm 2012 bắt đầu sụt giảm, chỉ còn 50 - 60 triệu đồng/tập, nhất là sau khi chuyển giờ phát sóng. Ngay những phim xã hội hóa chiếu trong giờ này cũng không khá hơn, cá biệt có phim chỉ thu được 19 triệu đồng/tập. Nếu trước đây ban giám đốc (cũ) của  HTV đã từng tranh cãi việc nên giữ hay “xóa sổ” TFS thì ban giám đốc hiện nay của HTV cũng đang đau đầu với bài toán này.

Tiếp sức

TFS từng có một đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp, giỏi và tâm huyết; phim TFS vốn được tin cậy và yêu mến vì sự chỉn chu và đạt chất lượng nội dung lẫn nghệ thuật. Mảng phim tài liệu không chỉ là thế mạnh của riêng TFS mà còn là thương hiệu mạnh của HTV. Phim truyện và phim tài liệu của TFS năm nào cũng gặt hái giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan truyền hình, liên hoan phim quốc gia và của Hội Điện ảnh.

Tìm hiểu nguyên nhân, ông Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, cho biết: “TFS được lãnh đạo đài giao trách nhiệm sản xuất các phim truyện đề tài chính luận và không đặt vấn đề tạo nguồn thu, chính điều này đã hạn chế tạo nguồn quảng cáo. Công tác quảng bá, giới thiệu, tìm tài trợ, quảng cáo vào vệt giờ này (17 giờ 30) cũng làm chưa tốt, nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu. Lực lượng nòng cốt làm nên thương hiệu TFS bằng những tác phẩm chất lượng đã nghỉ hưu và đến năm 2016 này thêm nhiều người sẽ  nghỉ hưu, trong khi lực lượng trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Trước tình trạng bi đát về thu - chi, sau bộ phim Không có gì và không một ai, TFS tạm ngưng phát sóng các phim mới từ tháng 5-2015 để tìm giải pháp. Hiện lãnh đạo HTV đã tìm được đơn vị bảo trợ, tài trợ cho giờ phát sóng phim TFS (vẫn giữ khung 17 giờ 30 trên HTV9) và sẽ bắt đầu phát phim của TFS từ tháng 4-2016. Theo kế hoạch hợp tác này, sau khi phát 12 phim mới của TFS (369 tập), đơn vị bảo trợ và tài trợ sẽ liên kết với TFS sản xuất phim với phần điều chỉnh đầu tiên về nội dung sao cho gần gũi, tiếp cận với nhu cầu khán giả, phong phú đề tài nhưng không dễ dãi.

Hy vọng với sự tiếp sức này, TFS có thể “hồi sinh” với bước đi mới.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục