13 triệu tấn là lượng rác thải sinh hoạt cần phải thu gom và xử lý ở nước ta năm 2018. Con số này dự báo sẽ gia tăng thêm 12% ở mỗi năm tiếp theo. Điều lo ngại nữa là trong tổng số lượng rác thải phát sinh, chỉ có 85% (khu vực đô thị) và 45% (khu vực nông thôn) được thu gom, số còn lại phát thải ra môi trường. Tình trạng này cộng với công nghệ xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp lạc hậu đã và đang gây ra những hệ quả ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng sống và sức khoẻ của cộng đồng. Thống kê của Bộ Y tế cho biết, trung bình mỗi năm nước ta có 200 ngàn người mắc các bệnh ung thư và có đến 75 ngàn người trong số đó chết vì căn bệnh này.
Các chuyên gia môi trường đã khẳng định, nguồn nước, đất, không khí bị ô nhiễm chất thải sẽ thông qua chuỗi thực phẩm là thực vật, động vật đi vào cơ thể người. Đó chính là mầm mống, căn nguyên hình thành nên căn bệnh ung thư ở người, dị tật ở trẻ sơ sinh. Ở phạm vi rộng hơn, chất thải ô nhiễm còn hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu; nhiều đại dương trên thế giới đang bị ô nhiễm rác thải nhựa, nước thải sinh hoạt, công nghiệp rất nghiêm trọng; nhiều loài động vật biển bị đe dọa sự sống do không còn môi trường sống an toàn và sử dụng thức ăn là rác thải nhựa trôi nổi trên biển.
Tại Việt Nam, phong trào “sống xanh” đang phát triển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hàng loạt những chương trình, dự án bảo vệ môi trường đã thu hút sự đồng thuận tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân. Phải kể đến như hoạt động “Thách thức dọn rác”, “Thách thức xanh”, “Sống xanh”, “Sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường”, “Tiêu dùng xanh”, “Phân loại rác tại nguồn”… Theo đó, cộng đồng dân cư đã bắt đầu nhận diện và ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có lợi cho môi trường trước, trong và sau quá trình sử dụng; thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao rác thải, sử dụng sản phẩm có khả năng tái chế, tiết kiệm nước, tăng cường mảng xanh... Mạnh mẽ hơn, cộng đồng dân cư đã thực hiện các hoạt động tẩy chay với những sản phẩm của các doanh nghiệp gây hại cho môi trường.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xu hướng sống xanh của cộng đồng đã tạo hiệu ứng buộc các đơn vị phải quan tâm và đầu tư nhiều giải pháp sản xuất sản phẩm xanh nhằm đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng. Điển hình, với doanh nghiệp sản xuất, hệ thống thu gom và xử lý chất thải đã được hoàn thiện hơn. Doanh nghiệp cũng đã đảm bảo các tiêu chuẩn về xử lý chất thải trước khi thải bỏ ra môi trường. Còn với các hệ thống, cửa hàng bán lẻ đã sử dụng xanh trong hoạt động phân phối sản phẩm như dùng lá chuối để gói thực phẩm rau, củ quả thay cho túi nilon; thay màng bọc nhựa bằng giấy hoặc sản phẩm có khả năng tái chế, keo kết dính… Người tiêu dùng đến mua hàng tại hệ thống phân phối bán lẻ hoặc các cửa hàng tiện lợi, giải khát, thực phẩm… cũng được khuyến khích sử dụng túi thân thiện môi trường, đồ dùng cá nhân riêng, thay vì sử dụng sản phẩm ly, ống hút nhựa, túi nhựa... Song song đó, những giải pháp kinh tế xanh cũng được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng phổ biến, như: giảm giá với sản phẩm thân thiện môi trường, tặng phiếu quà tặng xanh cho trường hợp người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm nhựa của cơ sở khi đi mua hàng…
Trước việc một số hệ thống siêu thị gần đây triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilon, tuần qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư biểu dương, khen ngợi hành động này rất thiết thực, giảm thiểu tác hại của túi nilon, góp phần tích cực nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon của các siêu thị và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống, vì lợi ích cộng đồng. Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, làm cơ sở để thay thế sử dụng sản phẩm không có lợi cho môi trường.
Có thể thấy, việc chuyển hóa từ ý thức đến hành động bảo vệ môi trường đang được cộng đồng hưởng ứng thực hiện mạnh mẽ. Điều này hứa hẹn sẽ tạo nền tảng cơ sở để phát triển GDP xanh - mà ở đó, Việt Nam giảm thiểu việc đầu tư ngược lại cho hoạt động cải thiện chất lượng môi trường như ban đầu, và quan trọng hơn là người dân sẽ không còn phải trả trả giá bằng chính sức khoẻ của mình cho sự phát triển kinh tế nhưng thiếu quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.