(SGGPO).- Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP (bao gồm BOT và BT) là hình thức đầu tư khá mới, có tính chất phức tạp, trong khi hầu hết các chủ thể tham gia đều chưa có kinh nghiệm, thể chế điều chỉnh hình thức đầu tư chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai vẫn bộc lộ một số bất cập, tồn tại…Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ GTVT tổ chức ngày 7-6.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn, trong đó có BOT. Ảnh: CAO THĂNG
Theo Bộ trưởng, bất cập lớn nhất trong việc triển khai các dự án theo hình thức BOT và BT là hành lang pháp lý cho việc kêu gọi các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành GTVT còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ; các nhà đầu tư và các ngân hàng cung cấp tín dụng cũng chỉ chủ yếu là tổ chức, doanh nghiệp trong nước, chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài; chính sách phí chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, việc quản lý nguồn thu phí cần chặt chẽ và minh bạch hơn; chất lượng xây dựng và bảo trì một số dự án chưa đạt yêu cầu... Bản thân các nhà đầu tư BOT cũng bày tỏ nhiều bức xúc khi thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp, liên quan đến quá nhiều cơ quan chức năng chứ không chỉ riêng Bộ GTVT; các dự án BOT có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán làm việc với cùng một nội dung. Trong bối cảnh hiện tại, đầu tư vào giao thông thu được lợi nhuận rất hạn chế nhưng đôi khi nhà đầu tư bị áp lực từ dư luận xã hội rất lớn. Thực tế này đòi hỏi phải rà soát lại các dự án BOT giao thông, để tạo điều kiện và lựa chọn tốt hơn cho cả người dân và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về những mặt được, mặt chưa được trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về giải pháp cho những vấn đề xây dựng khung thể chế đầy đủ, ổn định và minh bạch, nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, bao gồm cả cơ chế, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; chính sách đối với thu phí…Đây sẽ là cơ sở để Bộ GTVT tổng hợp, đề xuất Chính phủ các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động nhiều nguồn lực hơn nữa cho phát triển KCHTGT, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Tính đến thời điểm này, đã có 26 dự án hoàn thành và đưa vào vận hành với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đồng, chưa kể 18 dự án với tổng mức đầu tư 37.212 tỷ đồng được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015, nhưng khởi công trước năm 2011.
Hiện ngành GTVT cũng đang triển khai đầu tư 36 dự án khác với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng .
Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án PPP có hỗ trợ của Nhà nước với các dự án đường cao tốc với chiều dài khoảng 750 km, các dự án nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện có, đầu tư đồng thời tuyến cũ và tuyến mới; huy động nguồn vốn XHH theo hình thức doanh nghiệp tự đầu tư đối với hệ thống nhà ga, kho, bãi, khu ga hàng đường sắt; tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế, đồng thời huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
BÍCH QUYÊN
Xử lý nghiêm việc tăng phí BOT Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ ngày 8-6 đã có công văn đề nghị Bộ GTVT kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh trạm thu phí Mỹ Lộc - Nam Định tăng phí. LÂM NGUYÊN
Theo thông tin báo chí phản ánh, trạm thu phí Mỹ Lộc - Nam Định thuộc Công ty cổ phần Tasco đã tiến hành tăng phí từ ngày 1-6 với 3/5 loại phương tiện lưu thông qua trạm... (đơn cử, ô tô dưới 12 chỗ ngồi tăng phí từ 20.000 đồng/lượt lên 30.000 đồng/lượt). Việc trạm BOT này tăng phí vào thời điểm hiện nay khiến nhiều người dân bức xúc, bởi gần đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đều khẳng định đã bác bỏ đề xuất xin tăng phí BOT và đảm bảo sẽ duy trì mức phí hiện tại đến hết năm.
Vì vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu và phối hợp với đơn vị liên quan xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.