Hạnh phúc từ những nhọc nhằn

“Ở trường cũng như ở nhà”

Đi làm sớm, về nhà muộn; nhọc nhằn, vất vả dỗ dành từng cháu bé, lo từng bữa ăn, vỗ về từng giấc ngủ…, những cô giáo mầm non được ví như mẹ hiền, như cô tiên đời thường.

“Ở trường cũng như ở nhà”

Có lẽ ít công việc nào cực nhọc, vất vả như nghiệp giữ trẻ mầm non (MN) - lứa tuổi cần sự vỗ về, chăm sóc đặc biệt của người lớn. Và người mẹ nào cũng thấu hiểu rằng ở nhà việc chăm sóc “một cục cưng” đã mệt, vậy mà các cô giáo mầm non phải trông cùng lúc hàng chục cháu. Mỗi trẻ một tính cách, thói quen, nghịch ngợm khác nhau. Đó là chưa kể những ngày mới đến trường, mới quen cô giáo, nhiều trẻ khóc quấy cả ngày, không chịu ăn, không chịu uống sữa khiến lòng cô quặn thắt.

Nhắc lại kỷ niệm khó quên về cô trò nhỏ mà mình tiếp nhận cách đây không lâu, cô Phạm Thị Ngọc Tuyền (giáo viên, khối trưởng Trường MN Rạng Đông quận 6 TPHCM) kể rằng: “Thấy bé khóc nhiều và không chịu ăn, uống bất cứ thứ gì suốt 2 tuần liền, tôi đã thuyết phục mẹ cháu nên đưa bé về nhà chăm sóc để đảm bảo sức khỏe. Thế nhưng mẹ bé năn nỉ chúng tôi hãy thương và nhận cháu, tập cho cháu biết ăn vì trước đây chỉ biết uống sữa…”. Và không quản ngại cực nhọc, gần 1 tháng dỗ dành từng tí để bé thích nghi, cảm nhận được tình thương từ môi trường mới, cô Tuyền và phụ huynh đã trút được nỗi lo, nở nụ cười tự tin. Hết học kỳ một, bé không chỉ biết ăn như các bạn mà còn dạn dĩ tham gia các hoạt động với lớp, vui vẻ hòa nhập với trường lớp.

Đây chỉ một trong hàng trăm ví dụ điển hình về chăm sóc trẻ nhỏ cực như thế nào. 15 năm gắn bó với nghề, cô Tuyền chia sẻ chân thành rằng, trẻ 3 tuổi rất ngây thơ, người lớn đối xử với bé thế nào thì bé sẽ đáp lại như thế. Và quan điểm giáo dục của cô và các đồng nghiệp ở trường là cố gắng giúp trẻ thích nghi và cảm nhận “đến ở trường cũng được yêu thương như ở nhà”.

Đừng để họ nặng lòng...

Tuy bận rộn với hàng núi công việc, nhưng các cô giáo ngành MN vẫn thu xếp thời gian học thêm để nâng cao chuyên môn, mày mò nghiên cứu để có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, chăm sóc trẻ tốt hơn. Cô Nguyễn Xuân Hằng, vừa lấy bằng cử nhân ngành sư phạm MN, không chỉ hết lòng với nghề mà còn có nhiều sáng kiến giảng dạy, chú trọng phát triển thẩm mỹ, hành vi có văn hóa ở trẻ. Theo cô tập cho trẻ có thói quen chào hỏi là đặt nền tảng cho cách ứng xử có văn hóa, phát triển nhân cách, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc. Tựa công việc trồng người, mỗi ngày nhìn thấy trẻ phát triển về thể lực, trí tuệ tốt hơn là cô cảm thấy hạnh phúc được bù đắp sau những nhọc nhằn. Trải qua 27 năm gắn bó với trẻ nhỏ, cô Ngô Thị Thủy (Hiệu trưởng Trường MN thị trấn Củ Chi 2) vẫn giữ ngọn lửa yêu nghề như thuở ban đầu. Từ khi làm giáo viên đến lúc trở thành quản lý, cô luôn tâm niệm dù khó khăn, trở ngại cũng phải làm những gì tốt nhất cho các cháu. Chính vì thế, cô có rất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được nhân rộng trong ngành.

Nếu không có đam mê và tình yêu con trẻ thì họ - những cô giáo mầm non không thể trụ lại với nghề. Nhắc đến điều này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM không chỉ dành những lời cao quý trân trọng mà còn cảm thông: “Công việc của các cô rất cực, sáng ra khỏi nhà từ 5 giờ và đến 19 giờ mới trở về nhà. Thế nhưng đồng lương thu nhập rất thấp. Và nếu không yêu nghề, không thấy rõ trách nhiệm cao cả vì thế hệ mầm non tương lai, họ khó có thể gắn bó dài lâu. Các cô giống như những cô tiên của ngành giáo dục…”.

KHÁNH HƯNG

Tin cùng chuyên mục