Trái tim dũng cảm
Thật bất ngờ, ngay trong buổi nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” để không dang dở giấc mơ bước vào giảng đường đại học, điều ước mà Nguyễn Thị Nhị nói trước người dự khán lại là “Em chỉ mong một lần được… nghe tiếng của mẹ nói, giống như mẹ của bao bạn bè khác…”. Đến đó, cô tân sinh viên 18 tuổi vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương với số điểm rất cao, tận 28,5 điểm, lạc giọng hẳn đi…
“Cha em mất lâu lắm rồi, mẹ thì chẳng nói được vì bị câm điếc. Nhưng mẹ là chỗ dựa, là nguồn động lực vĩ đại giúp em bước tiếp trong cuộc đời này…”, lời tâm sự trong chan hòa nước mắt của cô gái ấy đã chạm đến trái tim của bất cứ ai nghe thấy.
Thật bất ngờ, ngay trong buổi nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” để không dang dở giấc mơ bước vào giảng đường đại học, điều ước mà Nguyễn Thị Nhị nói trước người dự khán lại là “Em chỉ mong một lần được… nghe tiếng của mẹ nói, giống như mẹ của bao bạn bè khác…”. Đến đó, cô tân sinh viên 18 tuổi vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương với số điểm rất cao, tận 28,5 điểm, lạc giọng hẳn đi…
“Cha em mất lâu lắm rồi, mẹ thì chẳng nói được vì bị câm điếc. Nhưng mẹ là chỗ dựa, là nguồn động lực vĩ đại giúp em bước tiếp trong cuộc đời này…”, lời tâm sự trong chan hòa nước mắt của cô gái ấy đã chạm đến trái tim của bất cứ ai nghe thấy.
Giao lưu cùng 2 tấm gương nghị lực Nguyễn Thị Nhị và Nguyễn Thị Vân Thu (thứ 2 và 3 từ trái qua)
Cô gái ấy đã trải qua mọi cảm xúc của cuộc sống, nhưng chủ yếu là bất hạnh. Cha của Nhị mất sớm, ngôi nhà nhỏ ở xã Lộc Nga (Bảo Lộc, Lâm Đồng) chỉ còn lại 3 người phụ nữ cưu mang lẫn nhau. Bà ngoại của Nhị đã già yếu và mất sức lao động nên cái khó càng vây bám lấy gia đình em giống như họ đang phải trả món nợ tiền kiếp. Nguồn sống của cả nhà dựa hoàn toàn vào mẹ Nhị, người đàn bà bị câm điếc vẫn hàng ngày lầm lũi mò cua, bắt ốc, nhổ cỏ mướn để kiếm đồng ra, đồng vào, lo bữa ăn và tiền đóng học phí cho con. Cô gái đầy nghị lực ấy thừa nhận từng muốn buông xuôi tất cả, vì bạn bè trêu là đứa trẻ không cha, vì gia cảnh nghèo cùng cực, và vì đường đến tương lai nhìn thật chông chênh… Song, ý chí vượt lên trên hoàn cảnh và giấc mơ đại học để đổi đời đã vực cô gái ấy đứng dậy mạnh mẽ. Dĩ nhiên, cuộc đời đã không bỏ quên Nhị. Những nhà tổ chức Quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường”, trong đó có doanh nhân Lê Quốc Phong (Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Phân bón Bình Điền), có nhiều những người bạn của ông Phong đã tìm đến để trao cho Nhị một món quà không thể thiết thực hơn: suất học bổng trị giá 10 triệu đồng cho năm đầu tiên ở giảng đường đại học! “Tôi không thể cầm lòng trước những số phận như thế. Lối thoát duy nhất cho cô bé nghèo khó nhưng có trái tim dũng cảm ấy cũng như cho nhiều bạn tân sinh viên trẻ nhưng có hoàn cảnh sống cơ cực khác nữa trên khắp đất nước, chính là con đường học vấn. Họ cần được giúp đỡ, phải được quan tâm và sẻ chia để đi tiếp trên chặng đường đời rất dài phía trước. Họ cũng chính là tương lai của đất nước. Đó là lý do, chúng tôi phải duy trì đến cùng giải Golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường”, mới mời gọi được những nhà hảo tâm, những doanh nghiệp thực sự quan tâm đến thế hệ trẻ, để cùng chung tay giúp sức cho sự nghiệp giáo dục…”, ông Lê Quốc Phong bày tỏ.Hành trình của yêu thương Trước khi trao 177 học bổng (trị giá gần 1,3 tỷ đồng) cho các bạn tân sinh viên nghèo hiếu học tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) hôm 16-9, ông Lê Quốc Phong và Ban tổ chức chương trình đã đến với Thái Bình và Quảng Trị để “hà hơi tiếp sức” cho các bạn trẻ nơi đây không bỏ lỡ cơ hội học đại học, sau này ra sức giúp người, giúp đời. Đi đến đâu, họ cũng nhận được món quà quý nhất là lời cảm ơn, là ánh mắt biết ơn và lời hứa sẽ mạnh mẽ vươn lên với hành trang là suất học bổng đầy tình nhân văn.
Ông Lê Quốc Phong (trái) và ông Phan Văn Đa (Phó CT UBND tỉnh Lâm Đồng) trao học bổng cho tân sinh viên
Nhờ thế, “cuộc hành trình của yêu thương” - theo cách ví von của dư luận xã hội - đã kéo dài 9 năm kể từ khi gắn kết với giải Golf gây quỹ do Công ty Bình Điền phối hợp tổ chức cùng VTV9, báo Tuổi trẻ và sân golf Long Thành và tạo nguồn thu lên đến 75 tỷ đồng, giúp cho hơn 15.000 tân sinh viên nghèo học giỏi đến với giảng đường đại học. Ngần ấy thời gian, những nhà tổ chức đã đi thực tế và chứng kiến hàng ngàn tấm gương hiếu học, hiếu thảo với cha mẹ, luôn tìm cách vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng khát vọng theo đuổi những bậc học cao hơn. Mỗi tân sinh viên từng, đang và sẽ nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” mang một câu chuyện về nghị lực sống và giấc mơ chinh phục đỉnh cao của tri thức. Hôm trao học bổng ở khu vực Tây nguyên, ông Lê Quốc Phong và những người dự khán còn bồi hồi, xúc động trước hình ảnh cô gái Nguyễn Thị Vân Thu gần như mù lòa, muốn nhìn được con chữ phải cúi sát mặt xuống trang sách, muốn viết được chữ phải cậy nhờ cậu em trai đọc lớn tiếng, nhưng vẫn nuôi chí theo học ngành Quản trị kinh doanh ở Đại học Đà Lạt. Nhà của Thu khổ, kiệt quệ sau khi dốc hết tài sản để chữa trị cho cậu em trai bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông, cha cũng bị tai nạn lao động, mẹ quanh năm chỉ biết lượm ve chai đem bán… Song, dường như gian khổ lại càng thúc đẩy cô gái khuyết tật ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) ấy bằng mọi giá phải chiến thắng được số phận, để cười rạng rỡ khi đón nhận món quà đầy tình thương từ Quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” 2017 ngay tại vùng đất Tây Nguyên đại ngàn và giàu khát vọng…
Học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2017 đã và sẽ trao 1.700 suất cho tân sinh viên trên 63 tỉnh, thành của cả nước với tổng kinh phí khoảng 13 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động từ Giải golf do Công ty Bình Điền phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ, VTV9 và sân golf Long Thành tổ chức thu được hơn 9,5 tỷ đồng. Mỗi suất học bổng trị giá 7 triệu đồng, trường hợp đặc biệt là 10 triệu đồng. BTC chương trình đã trao tại các khu vực: 19 tỉnh, thành phía Bắc (tại Thái Bình), 6 tỉnh Tây Bắc, miền Trung (tại Quảng Trị), Tây Nguyên (tại Lâm Đồng) và tới đây là đồng bằng sông Cửu Long (tại Cần Thơ) và Đông Nam Bộ (tại TPHCM).