Hành trình xuyên bóng tối

Đang từ cuộc sống bình thường, không may gặp nạn mất đi đôi mắt. Vậy nhưng từ trong cảnh tối tăm, thầy Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập Mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú, TPHCM) không gục ngã trước số phận. Anh đã tự mình chiến thắng bản thân, làm nên một “hành trình xuyên bóng tối” tỏa sáng tài năng với đời...
Hành trình xuyên bóng tối

Đang từ cuộc sống bình thường, không may gặp nạn mất đi đôi mắt. Vậy nhưng từ trong cảnh tối tăm, thầy Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập Mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú, TPHCM) không gục ngã trước số phận. Anh đã tự mình chiến thắng bản thân, làm nên một “hành trình xuyên bóng tối” tỏa sáng tài năng với đời...

Thầy Nguyễn Quốc Phong cùng các em khiếm thị trao đổi kỹ năng sử dụng máy vi tính.

Thầy Nguyễn Quốc Phong cùng các em khiếm thị trao đổi kỹ năng sử dụng máy vi tính.

Hơn 20 giờ tối một ngày giữa tháng 7-1991. Trên đường từ Đồng Nai về Sài Gòn, ngang qua Hố Nai, anh Phong chóa mắt trước ánh đèn pha sáng rực của chiếc xe khách chạy ngược chiều chiếu thẳng vào mặt. Vài giây chưa kịp định thần thì cả người và xe gắn máy đâm sầm vào một chiếc xe tải chất đầy tre lồ ô bị chết máy nằm giữa đường. Trong phút chốc, anh thanh niên lành lặn đang độ tuổi thanh xuân trở thành phế nhân. Tai nạn giao thông hy hữu tuy không tước đoạt mạng sống nhưng đã lấy mất đôi mắt sáng mà tạo hóa ban cho.

Gần một năm dài lúc mê, lúc tỉnh trên giường cấp cứu bệnh viện, khi sức khỏe hồi phục là lúc Phong phải đối diện với cuộc sống tối tăm. Chung quanh anh là màn đêm vô tận phủ kín tương lai. “Bản năng sinh tồn không cho phép tôi đầu hàng số phận và tôi quyết tâm phải vượt qua bản thân. Không chỉ sống tốt mà còn phải sống có ích. Lúc đó đã ngoài 30 tuổi nên anh Phong gặp không ít trở ngại khi tự mình mò mẫm tìm đến các cơ sở nuôi dạy người khiếm thị xin học. Không ít nơi, kể cả Trường mù Nguyễn Đình Chiểu cũng từ chối vì cho rằng tuổi tác của anh quá lớn, không thích hợp với việc đào tạo như các em học sinh khiếm thị khác. Không nản, Phong lại lọ mọ đi tìm. May mắn, cơ sở khiếm thị Bừng Sáng (quận 10, TPHCM) do thầy Đào Khánh Trường làm chủ nhiệm đã chấp nhận cho anh vào học, đó là vào giữa năm 1992.

Sự khao khát trở về cuộc sống như khi còn sáng mắt vô cùng mãnh liệt đã trở thành động lực giúp anh Phong miệt mài lao vào học tập. Có lúc anh hoàn tất những bài học chỉ với 1 tuần trong khi các em khiếm thị khác phải mất vài tháng. Chưa đầy 1 năm, Phong đã nhuần nhuyễn chữ nổi (Braille). Rời khỏi Mái ấm Bừng Sáng, anh lại tự trang bị cho mình vốn ngoại ngữ và vi tính khá vững bằng phương pháp tìm tòi, tự học qua bạn bè, tài liệu, các chương trình đào tạo từ xa dành cho người khiếm thị thời bấy giờ. Và rồi trên chặng đường 20 năm bền bỉ phấn đấu, Nguyễn Quốc Phong đã thầm lặng tô sáng tên mình với nhiều đóng góp có ích cho cộng đồng khiếm thị.

Điều đáng quý ở Phong là khi đã vượt qua nghịch cảnh, anh không chỉ sống riêng cho mình mà còn biết nghĩ, biết ưu tư chung với cái khó trong cuộc sống của người đồng cảnh ngộ. Năm 1993, anh mượn tạm căn gác nhỏ diện tích chưa đầy 10m² tại nhà một người bạn ở đường Tân Hương (quận Tân Phú) làm nơi dạy chữ, dạy ngoại ngữ và chia sẻ kỹ năng sống vào buổi tối cho các em khiếm thị ban ngày phải lân la khắp mọi nẻo đường mưu sinh bằng nghề bán quà vặt, bán bàn chải, bán vé số.

Ban đầu chỉ năm ba em nhỏ. Về sau các em khiếm thị khắp nơi truyền tai nhau tìm về căn gác nhỏ ấm cúng ấy, để được ông thầy mù giàu lòng nhân ái chia sẻ tình thương ngày ngày càng đông. Đến năm 1999, thầy Phong chính thức đặt cho “cơ sở từ thiện” tạm bợ ấy cái tên coi như tri ân đời là Mái ấm Thiên Ân.

Năm 2007, được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, Mái ấm Thiên Ân dời về số 122 Nguyễn Ngọc Nhựt, Tân Phú với cơ ngơi 1 trệt 4 lầu khang trang. Hiện tại, mái ấm đang là nơi bảo bọc cho 30 em khiếm thị tuổi từ 10 đến 16, sống ở các vùng sâu vùng xa, không có điều kiện đi học. Mái ấm cũng đón nhận các em mới bị khiếm thị khi đã khôn lớn do tai nạn hoặc bệnh tật. Tại đây, các em được học chữ, học sử dụng gậy để tự đi lại trên đường phố; học làm các công việc sinh hoạt thường ngày; học nhạc lý, sử dụng các loại nhạc cụ; học sử dụng vi tính, học ngoại ngữ và một vài nghề như massage, đông y, vật lý trị liệu, làm bàn chải, làm gậy... Các em cũng được phát triển các năng khiếu văn nghệ và thể thao.

Chia tay chúng tôi, thầy Nguyễn Quốc Phong khoe, Mái Ấm Thiên Ân đã hoàn thành đề án “Để người khiếm thị Việt Nam tiếp cận các văn bản pháp luật hiện hành”. Mái ấm đã chuyển dịch một số văn bản pháp luật hiện hành sang chữ Braille, sách chữ to và thu âm trên CD và sẽ làm một cuốn “Cẩm nang pháp luật” nhằm giúp người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng nhận thức đầy đủ về quyền công dân, nhằm tự bảo vệ mình. Mái ấm cũng có kế hoạch làm sách nhạc cho người khiếm thị. Với những sách chữ nổi hướng dẫn phương pháp học đàn guitar, piano, người khiếm thị sẽ dễ dàng phát triển năng khiếu âm nhạc hơn.

Bằng khả năng tự học, anh đã dịch thành công cuốn Quy ước quốc tế về cách ghi chép âm nhạc bằng chữ Braille sang chữ Braille tiếng Việt; Từ điển Anh - Việt bằng chữ Braille được dịch năm 1999, gồm 65.000 từ, dày 11.000 trang; cuốn Tài liệu thống nhất chữ Braille giúp cho người khiếm thị học tập dễ dàng hơn được dịch xong cuối năm 2001. Ngoài ra, Nguyễn Quốc Phong còn là một “cao thủ” về vi tính trong cộng đồng khiếm thị. Ngoài các phần mềm có phát âm giúp người khiếm thị sử dụng máy tính dễ dàng, công trình tiêu biểu và cũng là sản phẩm mang lại danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” năm 2003 cho thầy Phong là phần mềm Mata Grammar in Use bộ phần mềm từ điển Anh - Việt đầu tiên ở Việt Nam dành cho người khiếm thị.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục