Hành xử có văn hóa và trách nhiệm xã hội

Thời gian qua dư luận xã hội hết sức bức xúc, phẫn nộ, xót xa trước hàng loạt các clip mô tả cảnh học sinh đánh nhau, cảnh người lớn bạo hành trẻ em, các clip “nóng” quay cảnh học sinh hôn nhau, cởi đồ… được tung lên mạng. Mặt tích cực của các clip đó là đã giúp các cơ quan chức năng phát hiện cái xấu để kịp thời xử lý, chấn chỉnh; nhưng mặt khác, nó cũng gây cho xã hội cảm giác bất an, lo lắng về đạo đức của xã hội, của con người trong ứng xử còn một bộ phận giới trẻ tỏ ra hứng thú với việc tung các clip xấu lên mạng. Nhiều bạn đọc đã nêu quan điểm xoay quanh việc này.
Hành xử có văn hóa và trách nhiệm xã hội

LTS.- Thời gian qua dư luận xã hội hết sức bức xúc, phẫn nộ, xót xa trước hàng loạt các clip mô tả cảnh học sinh đánh nhau, cảnh người lớn bạo hành trẻ em, các clip “nóng” quay cảnh học sinh hôn nhau, cởi đồ… được tung lên mạng. Mặt tích cực của các clip đó là đã giúp các cơ quan chức năng phát hiện cái xấu để kịp thời xử lý, chấn chỉnh; nhưng mặt khác, nó cũng gây cho xã hội cảm giác bất an, lo lắng về đạo đức của xã hội, của con người trong ứng xử còn một bộ phận giới trẻ tỏ ra hứng thú với việc tung các clip xấu lên mạng. Nhiều bạn đọc đã nêu quan điểm xoay quanh việc này.

Những ngày qua, cư dân mạng và người dân cảm thấy lo ngại trước hàng loạt vụ việc quay video clip rồi vô tư tung lên mạng. Thời @ - kết nối thế giới phẳng nhanh như tia chớp và bất cứ ai cũng có thể tung lên mạng xã hội chuyện vui, chuyện buồn và cả những hình ảnh riêng tư lẫn hình ảnh xấu xa nhất. Chỉ với chiếc điện thoại nhỏ xíu, đầy đủ tính năng hiện đại trong tay, bất cứ ai cũng trở thành nhà quay phim, chụp ảnh nghiệp dư và tất tần tật những thứ gì quay được, chụp được từ cuộc sống, từ mọi ngóc ngách của xã hội đều có thể đưa lên mạng ngay sau đó ít phút.

Các nữ sinh đánh nhau trong các clip đưa lên mạng internet

Các nữ sinh đánh nhau trong các clip đưa lên mạng internet

Thế nhưng, đây cũng là con dao hai lưỡi. Trong nhiều trường hợp nhờ những clip - tang chứng vật chứng cụ thể - mà cơ quan công quyền sớm phanh phui những vụ việc vi phạm pháp luật hoặc giúp trường học - nơi xảy ra những vụ học sinh đánh nhau - biết để xử lý đúng người đúng tội. Điển hình nhất là vụ clip bắt mại dâm của Công an thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) và vụ một bảo mẫu ở Thuận An, Bình Dương hành hạ cháu bé 3 tuổi được phát tán lên mạng, gây bức xúc dư luận và được các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nhanh chóng.

Thử hỏi, nếu hai vụ việc điển hình này không được phơi bày trên internet thì làm sao xã hội biết rõ sự vi phạm đạo đức, nghề nghiệp của những người nhân danh đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật và hành vi thiếu nhân tính, tàn bạo của một người giữ trẻ. Ở góc độ này, nhờ có mạng xã hội, những hành vi xấu, vi phạm đạo đức xã hội, pháp luật đã bị thổi còi, xử lý ngay lập tức. Ngược lại, những câu chuyện không tốt, hình ảnh xấu hoặc chuyện riêng tư nếu bị khai thác bừa bãi và tung lên mạng một cách quá dễ dãi như một số vụ học sinh đánh nhau, hành hạ, xúc phạm nhân phẩm lẫn nhau… thì sẽ gây nhiễu loạn, góp phần lan tỏa những hình ảnh xấu trong môi trường học đường, đời sống xã hội. Điều này rất đáng lên án.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc dò tìm người đưa lên mạng không khó. Chỉ cần truy tìm được trang web đầu tiên tải đoạn clip “có vấn đề” lên, xác định địa chỉ IP là có thể tìm được thủ phạm. Thế nhưng, còn nhiều đoạn clip tung lên mạng, xâm hại, xúc phạm sự riêng tư của cá nhân, tổ chức nhưng chưa bị “thổi còi” và xử lý nghiêm. Chính vì thế, việc giáo dục, kêu gọi cư dân mạng biết kiềm chế, hành xử có văn hóa, tôn trọng sự riêng tư của người khác và có trách nhiệm với xã hội những việc mình làm là điều rất cần thiết.

khanhtn…@viettel.vn 

Nữ sinh đánh nhau - Hung bạo và bệnh hoạn

Vào chiều chủ nhật 28-11 vừa rồi, tôi tình cờ xem một phim tài liệu của Mỹ chiếu trên truyền hình, nói về hiện tượng các thanh thiếu niên (cả nam lẫn nữ) dễ dàng đánh hội đồng 1 người chỉ vì những nguyên nhân rất nhỏ, không chỉ thế, các em còn ghi hình vụ hành hung tập thể và tung lên mạng.

Trong phim, một nhà quản trị mạng phân tích tâm lý của lứa tuổi teen - mà các bậc cha mẹ ở Việt Nam còn gọi là “tuổi… chướng” (do lứa tuổi này thường có tâm lý phản kháng theo hướng nổi loạn, làm ngược lại lời người lớn), qua đó bà cho rằng động cơ của việc làm trên là do các em thích nổi tiếng, thích “khẳng định” mình theo kiểu gây sốc. Đoạn clip của các nữ sinh Mỹ cho thấy họ là nhóm bạn cùng đi nghỉ cuối tuần và vụ hành hung xảy ra chỉ do nạn nhân không cho các bạn mượn… cây lược!

Coi phim, tôi liên tưởng đến những vụ tương tự ở Việt Nam và thấy sốc! Tôi không sốc về chuyện đánh nhau của nữ sinh (thú thật, thế hệ… “6X” của chúng tôi cũng có chuyện cãi cọ rồi nóng giận bạt tai nhau), mà sốc vì mức độ hung bạo và tính chất nhẫn tâm của những trận đòn hội đồng ấy.

Ngay ở Mỹ - một xã hội nổi tiếng về sự tự do phóng khoáng trong lối sống - cũng không có chuyện xé áo, lột quần của nạn nhân như những chuyện xảy ra vừa rồi ở xứ ta! Việc các cô gái thản nhiên làm nhục bạn đồng giới, các chàng trai thì cổ vũ, khuyến khích hành vi vô nhân tính ấy cho thấy sự suy đồi đạo đức trong một bộ phận giới trẻ đã đến mức báo động. Bởi đây không chỉ là những hành động nông nổi, bộc phát do trẻ người non dạ, mà sâu xa hơn, đó là dấu hiệu sự “bệnh hoạn” của bản chất đạo đức con người.

HOÀNG LAN

Hành vi làm nổi cần lên án

Gia đình tôi tranh luận nhiều về những clip tung lên mạng gần đây. Thực tế mà nói, nhờ những clip này mà cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội biết được những hành vi xấu để kịp thời xử lý, chấn chỉnh. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác chúng tôi nhận thấy không ít các clip mà mục đích tung lên mạng chỉ nhằm tạo xì căng đan để nổi tiếng.

Tung các clip lên mạng thì dư luận xã hội sẽ tìm hiểu và chẳng chóng thì chày đều biết người trong cuộc là ai, họ bỗng nhiên được chú ý, nổi tiếng, dù là tiếng xấu. Thế cho nên những clip nóng, clip sex, thậm chí clip nữ sinh đánh nhau, xé áo quần… cứ như một hiệu ứng lan truyền, được nhiều người học tập, bắt chước và hứng thú tung lên mạng. Ý thức về đạo đức xã hội, sự tự trọng bản thân, tự tôn dân tộc không hề có trong những người tung lên mạng các clip này.

Chính vì thế, bên cạnh khía cạnh tích cực của một số clip nhằm  góp phần ngăn chặn tội ác, thì cũng có những clip làm gia tăng cái xấu, lan truyền cái ác. Trong thời đại vi tính, mọi người đều có thể chia sẻ thông tin, suy nghĩ trên mạng, nhưng thiết nghĩ xã hội cũng cần lên tiếng, kêu gọi ý thức đạo đức, ý thức công dân, nâng cao trách nhiệm của người dân đối với xã hội mình đang sống. Làm cho xã hội tốt đẹp hơn phải là mục tiêu sống của con người Việt Nam.

PHƯƠNG CHI (Q.3)

Vấn đề xã hội cần quan tâm, ngăn chặn từ gốc

Khi các clip về “bảo mẫu” hành hạ trẻ em, nữ sinh bị đánh hội đồng, vụ bắt mại dâm ở Quảng Ninh… được tung lên mạng và tạo nên trạng thái tâm lý phẫn nộ, lên án của cộng đồng xã hội, câu kết của các tin, bài trên báo đều na ná như nhau “đang điều tra người tung clip lên mạng”.

Tôi không rành rẽ luật pháp có quy định gì về việc này, song thử hỏi nếu các clip về “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa hay Trần Thị Phụng không được tung lên mạng thì dư luận có biết sự việc tồi tệ này để rồi sau đó các cơ quan chức năng có cơ sở vào cuộc xử lý? Nếu không có những clip này, cha mẹ của các cháu đã và đang bị hành hạ có biết mình đã “giao trứng cho ác”?

Có lẽ là không. Nếu không có clip học sinh đánh bạn, nhà trường và phụ huynh có biết để kịp thời xử lý và chấn chỉnh? Ở góc độ nào đó, phải thừa nhận rằng người dân đã có ý thức nhận biết, phát hiện cái xấu, cái ác “giữa đàng thấy việc bất bình chẳng tha” và qua phương tiện clip để kêu gọi cộng đồng cùng lên án, góp sức cùng nhà nước chặn đứng những hành vi phạm pháp. Như vậy, có thể xem clip như một kênh thông tin cộng đồng đặc biệt trong những ngõ ngách của cuộc sống, đặc biệt là những góc khuất mà pháp luật và những người có trách nhiệm chưa có điều kiện theo sát, tìm hiểu.

Đối với clip mại dâm ở Quảng Ninh, có thể nhìn sự việc ở cả 2 mặt: phát hiện những hành vi sai trái để pháp luật xử lý nhưng cũng có thể xem đây là hành vi tuyên truyền, phát tán văn hóa đồi trụy? Góc nhìn nào cũng đúng và như vậy pháp luật có kẽ hở? Những người làm luật cần nghiên cứu thực tiễn để bịt kín những kẽ hở “chết người” này để phân định rõ công - tội khi ai đó định đưa loại clip này lên mạng.

Các cơ quan chức năng đang vất vả truy tìm những người đưa các clip trên lên mạng, tôi nghĩ như công việc “lùa cá ngoài biển”, xử ngọn hơn xử gốc. Giá như nhà trường quan tâm đến nơi đến chốn trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh… Giá như nhà máy, xí nghiệp có nhà giữ trẻ cho con em công nhân… Giá như công an luôn xem mình là “bạn dân”… Giá như, giá như… thì chắc chắn sẽ không có những clip đau lòng như trên. Tôi nghĩ, bản thân các clip không có tội, tội chăng là do những vấn đề xã hội chưa được quan tâm và giải quyết đúng mức, triệt để.

HUỲNH CÔNG (Q.3)

Tin cùng chuyên mục