Ngày 27-11, Nguyễn Văn H. (ngụ tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bị CSGT xử phạt vì điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông. Nhận lỗi vi phạm, nhưng khi năn nỉ để được tha không thành, H. bất ngờ đốt chiếc xe của mình. Hành vi này có vi phạm pháp luật hay không?
Nếu xác định chiếc xe bị đốt là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của anh H. thì anh này có toàn quyền định đoạt về chiếc xe đó, do vậy hành vi này sẽ không bị xử lý cũng như không cấu thành tội hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, việc đốt chiếc xe của mình ngay giữa nơi công cộng để tỏ thái độ chống đối người thi hành công vụ thì không còn là việc tự ý định đoạt tài sản của mình, mà đây đã là hành vi gây rối trật tự công cộng. Nếu hành vi này chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì anh H. sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ, với mức xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.
Hành vi đốt xe của anh H. có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 245 Bộ luật Hình sự nếu như gây ra hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Cản trở, gây ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên; gây chết người; làm người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên; làm nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên; làm người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 21% - 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên; làm nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% - 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, việc có ngôn ngữ và thái độ không hợp tác, thiếu kiềm chế với CSGT là những hành vi có dấu hiệu cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ và có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ. Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013, những hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 - 3 triệu đồng.
Do vậy, khi bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm, người vi phạm nên kiềm chế, tránh có các hành vi nông nổi có thể kéo theo các hậu quả pháp lý nặng nề khác. Nếu thấy bị oan sai thì sau đó thực hiện quyền khiếu nại theo Luật Khiếu nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)