Hào khí Điện Biên

Hào khí Điện Biên

Sau khi góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người lính tiếp tục đi B, vào Nam, chiến đấu đến tận ngày thống nhất đất nước năm 1975. Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, họ có dịp gặp nhau và những câu chuyện thời đó như sống lại…

Đại đội phó pháo binh Hoàng Thương nhớ lại: “Ngày đó kéo pháo phải giữ bí mật và kín tiếng để tránh biệt kích, mật thám địch dày đặc. Lúc đầu chỉ có 50 người kéo cỗ pháo nặng gần 2,5 tấn nhưng khi đến nơi núi cao, vực sâu thì phải huy động hàng trăm người, bộ đội ta phải tạo trận địa giả để nghi binh địch, nhờ vậy khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh ta bất ngờ bắn đồng loạt hơn 2.000 quả pháo vào căn cứ Him Lam khiến địch kinh hoàng khiếp vía”.
 
Còn Trung tá Nguyễn Kim Đĩnh, quê Hà Nam, hiện ngụ tại phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM kể, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là tiểu đội phó công binh thuộc Đại đoàn 351 làm nhiệm vụ mở đường cho bộ đội và xe pháo lên Điện Biên. Các địa điểm như ngã ba Cò Nòi, ngã ba Tuần Giáo, nhất là đèo Pha Đin nằm trên các tuyến đường huyết mạch, nên thực dân Pháp bắn phá ác liệt nhằm ngăn bước tiến của quân ta.

Những người lính Điện Biên năm xưa và các chiến sĩ trẻ hôm nay cùng nhau ôn lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại buổi gặp mặt truyền thống tại TPHCM.

Những người lính Điện Biên năm xưa và các chiến sĩ trẻ hôm nay cùng nhau ôn lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại buổi gặp mặt truyền thống tại TPHCM.

Nhưng cuối cùng, với lòng gan dạ quả cảm, mưu trí sáng tạo và giữ bí mật an toàn tuyệt đối, đơn vị vẫn hoàn thành nhiệm vụ mở đường, đảm bảo đưa pháo vào trận địa an toàn. Ngoài ra, các chiến sĩ công binh còn tham gia đào hơn 400km đường giao thông hào cho bộ đội chiến đấu, siết chặt vòng vây địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động tổng lực các thứ quân nên đội quân nào cũng có vị trí quan trọng như nhau. Đại tá Vũ Huyên, lúc đó là chiến sĩ thông tin Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tham gia trận đánh vào căn cứ Đồi A1 và C2 nói: “Có lúc, đường dây bị đứt do bom pháo địch phá hủy, có chiến sĩ phải dùng răng cắn chặt để nối đường dây liên lạc thông suốt…”.
 
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, mọi người ở nhiều miền quê khác nhau nhưng cùng tiến về chiến trường Điện Biên Phủ với hào khí sôi sục. Ông Mạnh Trọng Tăng hồi đó còn là chàng trai xứ Nghệ 23 tuổi. Ông nhớ nhất hôm giải phóng căn cứ Hồng Cúm vào ngày 5-5-1954, ông cùng bộ đội áp giải tù binh Pháp ra hàng, thấy có tên còn ngoan cố chưa chịu ra hàng, lập tức mọi người hô vang: “Hô lê manh!” (Giơ tay lên - PV) thế là những tên phía sau không dám chần chừ nữa. Cho đến bây giờ, ông vẫn buồn cười vì hồi trẻ đi bộ đội chưa hề biết chữ, khi đánh giặc chỉ biết mỗi chữ “Hô lê manh”, vậy mà sau này theo Đảng, Bác Hồ được dạy chữ và trở thành cán bộ chủ chốt…
 
Không chỉ có nam giới ra trận mà còn có rất đông phụ nữ cùng lên đường cứu nước. Bà Nguyễn Thị Bích Nghĩa, quê Bắc Ninh, 15 tuổi đã tham gia đoàn văn công Đại đoàn 316, khi 17 tuổi được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài thời gian biểu diễn văn nghệ, bà còn tham gia mở đường, chăm sóc thương binh… Nhớ lại ngày ấy, bà tâm sự: “Lúc đó dường như cả dân tộc cùng ra trận nên khí thế hào hùng lắm, mọi người đều không sợ gian khổ, hy sinh, chỉ mong muốn giành được độc lập dân tộc…”

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục