Hậu quả việc dừng tuyển sinh hơn 500 ngành học - Người học “lãnh đủ”

Thiếu chuẩn tối thiểu vẫn được cấp phép
Hậu quả việc dừng tuyển sinh hơn 500 ngành học - Người học “lãnh đủ”

Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT mạnh dạn ra quyết định dừng tuyển sinh 503 ngành đào tạo (trong đó 207 ngành đào tạo của 71 trường đại học (ĐH) và 296 ngành đào tạo cao đẳng (CĐ) của 74 trường ĐH). Nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả này là số ngành trên không đạt đủ điều kiện tối thiểu (giảng viên) để đào tạo theo điều 2, điều 3 của Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH, trình độ CĐ (gọi tắt là Thông tư 08). Tuy nhiên, đằng sau quyết định trên của Bộ GD-ĐT cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Bộ GD-ĐT nên siết lại quy trình mở ngành để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Bộ GD-ĐT nên siết lại quy trình mở ngành để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Thiếu chuẩn tối thiểu vẫn được cấp phép

Theo quy định của Thông tư 08, các trường ĐH, học viện được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ ĐH khi bảo đảm có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Đối với mở ngành đào tạo trình độ CĐ phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.

Tính theo mốc thời gian, Thông tư 08 đã có hiệu lực từ tháng 4-2011. Tuy nhiên, cho đến nay lại có đến hơn 500 ngành “trắng” điều kiện cứng là tiến sĩ và thạc sĩ nhưng vẫn được tuyển sinh từ trước khi thông tư có hiệu lực đến nay là một điều khá lạ. Càng “sốc” hơn khi có trường quá tệ chỉ có 2 trong số 16 ngành đạt chuẩn tối thiểu. Đáng nói hơn, trong 71 trường có ngành bị dừng tuyển sinh lại có tên của khá nhiều trường ĐH công lập có tên tuổi như Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ngay cả hai ĐH hàng đầu của cả nước là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM cũng không thoát khỏi thực tế đáng buồn này.

Theo đối chứng của chúng tôi từ thông tin tuyển sinh trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trong cuốn Những điều cần biết tuyển sinh ĐH và CĐ từ khi Thông tư 08 có hiệu lực đến nay, hàng trăm ngành bị dừng tuyển sinh ở trên đã được bộ cấp phép mở ngành trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2013.

Như vậy, nếu làm một phép tính đơn giản, trong số hơn 500 ngành bị dừng tuyển sinh, mỗi ngành ít nhất là 50 chỉ tiêu thì mỗi năm cũng có đến 5.000 sinh viên trúng tuyển vào những ngành học thiếu chuẩn nói trên để các trường nhào nặn và cho ra “sản phẩm” cũng lệch chuẩn.

Lỗi do trường và cơ quan quản lý

Cuối năm 2011, Bộ GD-ĐT kiểm tra việc cam kết thành lập trường của 24 cơ sở thì có 41 ngành không có giảng viên là tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu và nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Thế nhưng, đến năm nay số ngành không đạt chuẩn phải bị dừng tuyển sinh lên đến con số hơn 500 là quá sốc và dư luận đặt vấn đề lỗi tại trường hay tại cơ quan quản lý hoặc lỗi ở cả hai bên.

Theo hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TPHCM, việc Bộ GD-ĐT đưa ra các điều kiện mở ngành phải đảm bảo các điều kiện theo Quyết định 58 về điều lệ trường ĐH của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng. Song về mặt thời gian thực hiện và áp dụng của Thông tư 08 có vẻ chưa hợp lý.

Vị hiệu trưởng này cũng từng nêu kiến nghị với Bộ GD-ĐT tại hội nghị tuyển sinh rằng: Bộ nên kéo dài thời hạn áp dụng các quy định về tỷ lệ sinh viên/giảng viên theo lộ trình hợp lý hơn vì tiêu chuẩn đưa ra quá đột ngột, trong khi thực tế các trường lại thiếu giảng viên trầm trọng. Hơn nữa, để đào tạo một thạc sĩ phải mất 2 năm, tiến sĩ phải mất đến 4 năm nên dù muốn dù không cũng cần phải có lộ trình phù hợp để các trường chuẩn bị nhân lực.

Trong khi đó, đại diện của các trường thuộc khối năng khiếu như Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TPHCM, Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM cho rằng chủ trương nâng cao chất lượng nhằm siết lại chất lượng đào tạo của Bộ GD-ĐT là điều đáng mừng. Tuy nhiên, với những ngành thuộc khối nghệ thuật và những ngành đặc thù mà áp dụng chuẩn phải có tiến sĩ mới mở ngành thì có lẽ phải ngừng đào tạo hết. Làm sao có thể có tiến sĩ quay phim, tiến sĩ đạo diễn điện ảnh, tiến sĩ gốm, tiến sĩ điêu khắc...

Nhìn ngược lại từ phía các cơ sở đào tạo bị buộc dừng hơn 500 ngành đào tạo có những cơ sở không đáng gọi là trường ĐH chứ đừng nói đến đào tạo. Tệ nhất là những trường ĐH thuộc tỉnh được nâng cấp từ trường CĐ sư phạm lên thành ĐH và một số trường ĐH ngoài công lập từ những ngành sư phạm, khoa học, công nghệ cho đến những ngành thuộc khối kinh tế cũng không có tiến sĩ, thạc sĩ và thậm chí cả cử nhân.

Một điều đáng nói nữa là một số ngành như điều dưỡng, dược học, kỹ thuật y học hình ảnh, kỹ thuật phục hình răng… của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y Thái Bình không hề có tiến sĩ nhưng đã được cấp phép và tuyển sinh đào tạo nhiều năm nay.

Từ năm 2011, quy định mở ngành được thực hiện khá kỹ. Trong đó, khâu kiểm tra các điều kiện cứng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên) do các sở GD-ĐT địa phương thực hiện (theo Nghị định 115). Sau đó Bộ GD-ĐT xem xét và ra quyết định. Thế nhưng vẫn có hàng loạt ngành không có tiến sĩ, không có thạc sĩ vẫn được cấp phép để tuyển sinh, đào tạo. Như vậy, cả cấp quản lý lẫn cơ sở đào tạo đều phải chịu trách nhiệm với người học và với xã hội.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có trên 2,2 triệu sinh viên (ĐH và CĐ), hơn 79.200 học viên cao học, hơn 6.200 nghiên cứu sinh. Tổng số giảng viên là trên 84.100 giảng viên, trong đó tiến sĩ là 9.152 người (10,88%), thạc sĩ là 36.360 người (chiếm 43,23%). Như vậy số lượng tiến sĩ, thạc sĩ ở mỗi ngành về cơ bản toàn ngành vẫn chưa thể đáp ứng đủ chứ chưa nói đến những ngành đặc thù, những vùng trũng về giáo dục.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục