Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ

Theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - môi trường thuộc Sở Y tế TPHCM, biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân TPHCM. Tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí, ngập lụt liên tục trong thời gian qua đã làm số bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết… không ngừng tăng nhanh.

Nhiều chứng bệnh thường xuyên biến chứng thành dịch lan rộng khắp thành phố như bệnh “tay chân miệng”… Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang mầm bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve). Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới (sốt rét, sốt Dengue, dịch hạch, dịch tả), xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm mới (SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1), thúc đẩy quá trình đột biến của virus gây bệnh cúm A/H1N1, H5N1 nhanh hơn.

Người dân làm gì để hạn chế mối nguy này? Nhiều chuyên gia cho rằng, không khó để có hành động phù hợp. Chỉ cần có nỗ lực, có quyết tâm từ bỏ những thói quen xấu đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường là người dân đã có thể góp phần cùng thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế được tối đa những tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống, đặc biệt là sức khỏe của chính mình. Không vứt rác bừa bãi là một ví dụ. Một lượng không nhỏ rác thải của thành phố đang bị vứt bừa bãi xuống sông, kênh rạch, làm tắc đường cống thoát nước, nghẽn hố ga thu nước làm cho hệ thống thoát nước thành phố vốn đã quá tải trước các trận mưa ngày càng lớn nay bị rác thải làm thu hẹp dòng chảy, quá tải lại càng quá tải hơn. Sử dụng nước, điện tiết kiệm cũng là một cách bảo vệ môi trường.

Hiện nay phần lớn lượng điện năng tiêu thụ ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là thủy điện. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh, việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của các con sông và hệ thống sinh thái đi kèm. Sự suy thoái của rừng, của các hệ sinh thái ven sông ít nhiều có nguyên nhân từ việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện. Có nhiều cách tiết kiệm điện và một trong những cách đó là thay thói quen dùng bình đun nước nóng từ năng lượng điện bằng hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. TPHCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, vấn đề còn lại là sự quyết tâm thay đổi của chính người dân.

Theo thông tin trên các trang web của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Y tế…, điều đáng lo ngại nhất của biến đổi khí hậu là hiện tượng này đã và đang ảnh hưởng đến sự thay đổi sinh thái, gây ra một loạt yếu tố có thể làm trầm trọng thêm, tràn lan một loạt các bệnh mới. Chẳng hạn như tại Malaysia, sự kết hợp giữa yếu tố El Nino và sự phá hủy tự nhiên của con người như phá rừng, đốt rừng phá hủy hệ sinh thái đã khiến loài dơi và quạ mang virus Paramyxo kỳ lạ. Virus Nipal gây ra bệnh viêm não mới tại Malaysia trong 3 tháng đã làm 283 trường hợp mắc, 105 người chết.

 Một số bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường trung gian mang tính chất địa lý đã gia tăng trong những năm gần đây cùng với sự nóng lên trong khu vực như sốt rét ở khu vực cao nguyên Đông châu Phi; viêm não do ve truyền ở Thụy Điển; bệnh Lyme ở Canada; bệnh sán máng ở miền Đông Trung Quốc và châu Âu; bệnh lưỡi xanh do virus ở châu Âu. Đặc biệt, các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền thành từng đợt sang người từ các nguồn động vật di cư như bệnh sốt Tây sông Nile (hiện đã có cả ở Mỹ và Canada - chim là vật chủ), bệnh Sosots thung lũng Rift Kenya (đại gia súc), virus sông Ross Úc (chuột túi)...

Như vậy, hãy hành động, trước khi quá muộn! Và hãy bắt đầu từ những việc đơn giản trong tầm tay của chính mình.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục