Hãy là điểm tựa cho con khi thi trượt đại học

Hãy là điểm tựa cho con khi thi trượt đại học

Trong những ngày này, khi mà phần lớn các trường đại học đã thông báo điểm thi, hàng trăm ngàn thí sinh hoặc vui mừng vì đậu hoặc chán chường vì trượt. Song điều đáng nói là có không ít thí sinh đang bị áp lực quá lớn từ phía gia đình. Lẽ ra phải giúp các em có thể phục hồi lại tâm lý để vững vàng trong những kỳ thi năm sau, nhiều phụ huynh lại thiếu tâm lý, quay ra chì chiết, đay nghiến con em mình khiến các em dao động, bi quan, gây ra hậu quả chấn thương tinh thần nghiêm trọng cho thí sinh.

Hãy là điểm tựa cho con khi thi trượt đại học ảnh 1

Có một số em quá căng thẳng đã biểu hiện triệu trứng trầm cảm, rối loạn, thậm chí hoang tưởng… Em Nguyễn Quang H. ở Biên Hòa - Đồng Nai, sau khi biết mình trượt Đại học Kinh tế quốc dân tâm sự: “Em đã biết mình không đỗ, năm tới em sẽ quyết tâm ôn để thi lại thật tốt nhưng từ hôm biết trượt đại học cha mẹ em thường chẳng quan tâm gì hết, thậm chí em còn bị đối xử lạnh nhạt…”. Nhiều em khi biết mình thi trượt thường xuất hiện những cảm xúc tiêu cực ở các mức độ khác nhau.

Tâm lý tự ti, xấu hổ với bạn bè người thân, đặc biệt ở những trường hợp quá kỳ vọng vào kết quả thi cử mà trượt thì càng có nguy cơ chấn thương tâm lý mức độ nặng, kéo dài. Như vậy, khi các em rơi vào hoàn cảnh này, chỉ có cha mẹ mới giúp được các em thoát khỏi những mặc cảm, tự ti...

Là cha mẹ, ai cũng kỳ vọng vào kết quả học tập và thi vào đại học sau 12 năm đầu tư đèn sách cho con. Nhưng có bao giờ phụ huynh tự hỏi: liệu con mình có thể thi đỗ đại học không? Với sức học này con mình thi trượt có phải cũng là chuyện đương nhiên? Có lẽ các bậc phụ huynh cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng: tạo áp lực cho con là điều cần tránh, nếu không có thể sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc. Những năm gần đây, một số thí sinh sau khi biết kết quả thi đại học thấp đã chọn đường cùng là tự tử, hoặc có ý định tự tử, vì sức ép của cha mẹ, người thân... Lứa tuổi 18 - 19 là lứa tuổi nhạy cảm, tâm sinh lý thay đổi nhanh và sang chấn tâm lý cũng rất đa dạng. Gặp trở ngại, thất bại đầu đời, các em khó vượt qua vì thiếu kinh nghiệm sống, lý trí chưa đủ tỉnh táo nên dễ có hành vi tiêu cực như nêu trên.

Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các em, mà nên hiểu, ở đây cũng có một phần nguyên nhân từ phía gia đình. Chắc chắn rằng chúng ta vẫn ít quan tâm đến con cái trong quá trình học tập, tư vấn hướng nghiệp của chúng… Các bậc cha mẹ hãy yêu thương, chia sẻ và mở rộng vòng tay ôm ấp con mình sau thất bại đầu tiên, để chúng định vị lại bản thân và cố gắng trong chặng đường mới của tương lai.

Hãy cho các em một thời gian nhất định để có thể quên đi những “thất bại tạm thời”, hoặc tạo cơ hội cho các em lựa chọn đi đến một nơi nào đó mà các em cảm thấy thích nhất. Tránh nhắc lại việc thi cử để giải tỏa tâm lý và cũng đừng bao giờ đặt ra điều kiện gì với các em vào thời điểm này. Để lấy lại tinh thần cho con em mình tự tin bước vào tương lai bằng nhiều ngả đường chứ không nhất thiết chỉ có con đường duy nhất - đại học, mỗi người cha, người mẹ hãy trở thành điểm tựa tốt nhất và hãy làm những gì có ích nhất cho các em.  

NGUYỄN VĂN CÔNG
(Giảng viên Tâm lý học Trường Sĩ quan Lục quân 2)

Tin cùng chuyên mục