Hiện nay các trường cao đẳng (CĐ) gồm CĐ nghề, CĐ chính quy lẫn hệ CĐ của các trường ĐH chưa biết tương lai sẽ ra sao khi mới đây Chính phủ có chủ trương hoàn thiện lại hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo. Như vậy, cùng với Thông tư 55 (quy định về điều kiện liên thông) thì chủ trương thống nhất này hiện đang đặt các trường CĐ vào thế khó chồng thêm khó.
Quá nhiều rào cản
Cuối năm 2012, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55 (quy định về đào tạo liên thông), trong đó điều kiện liên thông được quy định: “Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học (ĐH) phải dự thi 3 môn gồm: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề). Cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Người có bằng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng, kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải… đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hàng năm”.
Năm 2014 số thí sinh đăng ký dự thi hệ cao đẳng giảm mạnh.
Có thể nói, việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55 là chủ trương nhằm siết lại tình trạng liên thông quá bát nháo và kém chất lượng. Tuy nhiên, phần nào đó, thông tư này trở thành “bức tường lửa” chặn cửa thí sinh vào học hệ CĐ hoặc chọn CĐ để đi đường vòng lên ĐH. Hệ quả là hàng loạt trường ĐH công lập đã lường được khó khăn nên bỏ tuyển sinh hệ CĐ. Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Nông lâm TPHCM xóa sổ hệ CĐ. Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM cũng có chủ trương không đào tạo hệ CĐ ở một số trường ĐH thành viên. Nhiều trường như ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM… cắt giảm mạnh chỉ tiêu hệ CĐ trong năm 2013 và năm 2014.
Trong khi đó, đối với các trường CĐ, tình hình tuyển sinh rất ảm đạm. Tại khu vực phía Bắc, Trường CĐ Kỹ thuật Công trình đô thị (Hà Nội) năm 2012 có trên 9.000 hồ sơ đăng ký dự thi, sang năm 2013 còn trên 1.000 hồ sơ dự thi và năm nay chỉ còn 685 hồ sơ dự thi, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lên tới 1.600. Tại Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội chỉ tiêu là 1.400, nhưng chỉ có 495 thí sinh đăng ký dự thi… Tương tự, tại TPHCM hàng loạt trường đang trong tình trạng thoi thóp vì thiếu người học như Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn (312 thí sinh đăng ký dự thi/1.900 chỉ tiêu), Trường CĐ Công nghệ Vạn Xuân (89 thí sinh đăng ký dự thi/1.000 chỉ tiêu), Trường CĐ Bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp (455/1.600)...
Để tính tương lai cho hệ CĐ, Trường ĐH Công nghệ TPHCM đã rà soát, điều chỉnh lại chương trình và thống nhất tên ngành đào tạo để đảm bảo cho việc liên thông. Bên cạnh đó, cũng tính đến phương án bài toán nhân sự cho hệ CĐ. Th.S Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông nhà trường, cho biết: “Trước đây chỉ tiêu tuyển giữa ĐH và CĐ ở mức 50-50. Tuy nhiên, sau khi có Thông tư 55 (quy định về liên thông) trường buộc phải tính toán lại và hiện nay chỉ tiêu tuyển ĐH là 80% và CĐ chỉ còn 20%”. Đáng nói hơn, trong năm 2014, Bộ GD-ĐT cho 62 trường (chưa tính 10 trường năng khiếu, nghệ thuật) được tuyển sinh riêng bằng hình thức xét tuyển ĐH bằng xét điểm THPT. Tác động của chủ trương này đã vô tình mở toang cánh cửa vào ĐH trong khi hệ CĐ và phân luồng vào các trường nghề trở nên bít lối và đứng trước nguy cơ phá sản chủ trương phân luồng của Chính phủ.
Tương lai mịt mờ
Với chủ trương sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất về các tiêu chí như tên gọi, đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo, chắc chắn hệ thống giáo dục vốn phức tạp như “ma trận” sẽ trở nên thống nhất, dễ hiểu và không còn phức tạp, rối rắm nữa. Tuy nhiên, điều các trường lo nhất là các giải pháp đồng bộ để thực hiện chủ trương quy về một mối.
Nhận định về chủ trương trên, PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Hiện nay các trường CĐ tuyển sinh đã gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Thông tư 55 được ban hành. Do đó, nay thêm thông tin thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp về một mối thì tương lai của hệ đào tạo này sẽ đối diện thêm nhiều khó khăn”.
Th.S Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho biết: “Theo Luật Giáo dục ĐH thì giáo dục ĐH bao gồm cả ĐH và CĐ. Vậy chủ trương thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo 3 cấp độ rồi giao về cho Bộ LĐTB-XH quản lý liệu có đúng với luật đã quy định. Như vậy, hàng loạt vấn đề tiếp theo như liên thông, chương trình đào tạo cũng cần phải sắp xếp lại”.
Theo hiệu trưởng một trường CĐ nghề tại TPHCM, việc thống nhất và tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo chủ trương của Chính phủ là đúng. Tuy nhiên, nếu các bộ không phối hợp và tính toán kỹ thì các trường CĐ (chính quy và nghề) sẽ rất khó khăn từ khâu tuyển sinh đến đầu ra. Theo vị hiệu trưởng này, để làm tốt chủ trương này cần thống nhất về tên gọi, thống nhất lại chương trình đào tạo (giữa hệ nghề và chính quy, chương trình đào tạo lệch nhau khá nhiều) thì mới có thể liên thông ngang và liên thông dọc được. Ngoài ra, hệ số lương cũng cần phải quy định rõ ràng (với các đơn vị nhà nước) đối với đầu ra của hệ đào tạo này khi vào làm các đơn vị hành chính sự nghiệp.
THANH HÙNG