Hệ lụy từ xã hội siêu cạnh tranh

Sau nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, Bộ Giáo dục nước này đã đưa ra một loạt chính sách mới để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giáo viên trước nạn bắt nạt từ phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, những chính sách này cũng không đáp ứng được yêu cầu trước đó của giáo viên và xem chừng lợi bất cập hại.
Tưởng niệm một giáo viên tiểu học tự tử vì áp lực học đường. Ảnh: Yonhap
Tưởng niệm một giáo viên tiểu học tự tử vì áp lực học đường. Ảnh: Yonhap

Trên đe dưới búa

Cuộc biểu tình mới nhất của khoảng 100.000 giáo viên Hàn Quốc, đồng thời cũng là cuộc xuống đường tưởng nhớ nữ đồng nghiệp trẻ vừa tự tử, diễn ra hôm 4-9, đã đánh dấu một khoảnh khắc lịch sử trong ngành giáo dục của quốc gia này. Cuộc xuống đường như giọt nước tràn ly sau nhiều vụ giáo viên tự tử liên tục do bị căng thẳng quá độ trước sự xúc phạm của phụ huynh và học sinh.

Đe dọa, phỉ báng (bằng các cuộc gọi bất kể giờ giấc) hay thậm chí bị tấn công (ném bút vào giáo viên) là chuyện thường xảy ra trong một thời gian dài. Trước ngày 4-9, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách mới để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của giáo viên bằng cách trao thêm cho thầy cô quyền kiểm soát lớp học. Theo đó, giáo viên có quyền mời học sinh cá biệt ra khỏi lớp, tịch thu điện thoại, yêu cầu phụ huynh phải hẹn trước nếu muốn gặp giáo viên… Trong trường hợp bị đe dọa tấn công, giáo viên được phép sử dụng vũ lực để kiềm chế học sinh gây rối.

Tuy nhiên, theo Korea Herald, chính sách mới cũng cho phép học sinh hoặc phụ huynh đánh giá phương pháp giảng dạy của giáo viên với hiệu trưởng, thay vì trực tiếp nộp đơn khiếu nại lên giáo viên. Theo luật sư Kim Ji-yeon thuộc Công ty Young Lawyers for a Better Future, phạm vi của chính sách mới quá mơ hồ, vẫn không thể ngăn sự can thiệp quá mức từ phụ huynh vì phụ huynh cũng được trao quyền can thiệp. Điều đó chỉ khiến những phụ huynh hống hách lạm dụng quyền.

Ngay cả khi giáo viên có quyền và nghĩa vụ kỷ luật học sinh ngỗ ngược, hiệu trưởng vẫn có thể yêu cầu giáo viên giảm nhẹ tội cho em này. Trước áp lực “trên đe dưới búa”, cảm thấy thiếu sự tôn trọng cơ bản, nên dù Bộ Giáo dục đã có những động thái nhằm bảo vệ quyền lợi, nhiều giáo viên chọn cách “ra đi vĩnh viễn” vì không chịu nổi sự xúc phạm của học sinh và phụ huynh.

Thay đổi định nghĩa

Bắt nạt học đường là một vấn đề nghiêm trọng ở Hàn Quốc trong nhiều thập niên. Giới phân tích cho rằng, phụ huynh và học sinh đã lợi dụng hệ thống pháp luật và hành chính, cụ thể là Đạo luật Phúc lợi trẻ em được ban hành năm 2014 (cấm sử dụng bất kỳ hình thức nào trừng phạt thể xác đối với trẻ em), để bắt nạt giáo viên. Đạo luật này không cho phép giao viên can thiệp trong trường hợp học sinh đánh nhau. Thậm chí, việc la mắng cũng có thể được xếp vào loại “lạm dụng tình cảm”, dẫn đến việc giáo viên bị sa thải.

Kể từ năm 2018, hàng trăm giáo viên đã tự tử, hầu hết đều bị trầm cảm do căng thẳng trong công việc. Năm ngoái, 12.000 giáo viên đã bỏ việc. Trong khi đó, khoảng 10.000 thanh niên trong độ tuổi đi học và đại học tự tử mỗi năm. Áp lực học đường đối với học sinh Hàn Quốc là rất lớn, thậm chí từ mẫu giáo trở đi, bất kỳ ai có điểm khác biệt hoặc không hoàn thành nghĩa vụ của mình cũng sẽ trở thành mục tiêu bắt nạt. Gốc rễ của thực trạng này là xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc, coi giáo dục là hình thức tiến bộ xã hội được dễ chấp nhận nhất.

Theo tờ Archyde, trong một xã hội mà mọi thứ phụ thuộc vào sự thành công trong học tập, thì cha mẹ thường hướng tới giáo viên. Nhiều người cho rằng toàn bộ hệ thống giáo dục của Hàn Quốc cần được cải tổ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lee Joo-ho nhận định: “Tôi nghĩ đã đến lúc phải thiết kế lại (hệ thống đánh giá giáo viên) vì điều kiện đối với học sinh và giáo viên đã thay đổi rất nhiều”.

Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất ở các nước phát triển và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới do gánh nặng nuôi dạy con cái. Trước đây, các gia đình ở Hàn Quốc có 5 hoặc 6 con thì hiện nay hầu hết chỉ có 1. Giáo sư Kim Bong-jae tại Đại học Sư phạm quốc gia Seoul cho biết, nguyên nhân là do sự gia tăng bất bình đẳng. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng vấn đề này đang là chủ đề tranh luận gay gắt trong chính giới Hàn Quốc.

Theo Giáo sư Park Nam-gi, Đại học Sư phạm quốc gia Gwangju, định nghĩa về thành công của xã hội cần phải được thay đổi. Bộ Giáo dục Hàn Quốc nên đầu tư thêm nguồn lực tài chính và nhân lực nếu muốn tạo ra một môi trường học tập tốt hơn. Nếu không, các biện pháp mới sẽ một lần nữa đẩy giáo viên đến bờ vực thẳm.

Tin cùng chuyên mục