| |
Mùa hè 2012 đã chính thức bắt đầu. Hè, vốn dĩ là mùa nghỉ ngơi, vui chơi của các em nhưng bây giờ thực tế dường như ngược lại…
Học sinh tiểu học đi... nhà trẻ!
“Hè này anh cho cháu học thêm ở đâu?”. Câu hỏi này trở thành quen khi những phụ huynh gặp nhau, tán chuyện trong khi chờ đón các cháu dự lễ tổng kết năm học tại nhiều trường. Chị Mai Thi, nhà ở quận 3, có con học lớp 2 tại một trường tiểu học của quận 3 cho biết: “Cháu có vẻ học kém môn Toán nên tôi đang tính đăng ký cho cháu học thêm, rồi tìm chỗ cho học Anh văn nữa…”.
Còn nhóm phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) sang năm sẽ lên lớp 9 thì chuyền tay nhau những địa chỉ, số điện thoại của các lớp dạy thêm để đi đăng ký học. Anh Hồng, một phụ huynh “cảnh báo”: “Sang năm học lớp 9 để chuyển cấp lên lớp 10 nên nếu không học thêm thì khó mà kiếm trường tốt như nguyện vọng”. Anh dự tính sẽ cho con học thêm môn Toán, Anh văn, Văn… “Dù mệt cũng phải ráng”, anh nói.
Sáng 23-5, tại chi nhánh số 40 Mạc Đĩnh Chi, quận 1 (thuộc Cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng) mới 6 giờ 30 mà nhiều phụ huynh đã phải đứng ngồi, xếp hàng chờ chực dẫu cánh cửa cơ sở vẫn còn im ỉm khóa.
Chị T., nhà ở Bình Thạnh, nói: “Hôm qua đến nhưng đông quá không đăng ký được nên hôm nay phải đến đây hồi 6 giờ mà đã có gần chục người đến trước… Không đến sớm thì chút nữa chen vào không lọt”. Hè là vậy!
Đối với đa số phụ huynh có con đang học bậc tiểu học, việc một số trường tiểu học mở thêm lớp hè (thời gian từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7) được nhiều phụ huynh… hoan nghênh! Chị Dương, nhà ở Bình Thạnh có con học tại một trường tiểu học ở quận 1 cho biết trường con chị có mở lớp dạy hè, giá học phí bán trú hơn 3 triệu đồng nhưng khá nhiều người đăng ký. “Tiếng là học hè nhưng vô toàn chơi không hà, giống như đi… nhà trẻ để cha mẹ rảnh tay rảnh chân đi làm”.
Cái giá của “kỹ năng”
Chuyện cho con sinh hoạt hè tại địa phương dường như không được nhiều người quan tâm do cách tổ chức hình thức, ngược lại mối quan tâm của nhiều người là tính chuyện đưa con đi học kỹ năng. Mới chớm hè nhưng nhiều cơ sở dạy ngoại ngữ đã đón lõng các cháu qua nhiều chương trình tiếp thị khá ầm ĩ, tuy nhiên giá tiền phụ huynh bỏ ra là không nhỏ.
Để con có thể “Thông hành ra thế giới” theo chương trình tiếp thị của một trung tâm ngoại ngữ tên tuổi, phụ huynh phải đóng gần 16 triệu đồng cho 2 tháng học, tham gia các lớp nhảy hiện đại, tham quan vườn thú, sân chơi hướng nghiệp, hoạt động từ thiện… Với giá cả như vậy, ai cũng hiểu đối tượng tham gia khó có thể là diện gia đình nghèo hay thu nhập trung bình.
Ngay cả chương trình học kỳ quân đội, dẫu có nhiều dư luận đánh giá khác nhau nhưng để được tham gia, số tiền mà phụ huynh phải đóng cũng tính đến bạc triệu.
Nhiều người có vẻ thực tế hơn khi cho con tham gia vào các đội Sao Bắc Đẩu gồm buổi sáng thứ bảy và chủ nhật tại công viên văn hóa Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định… do các quận Đoàn hay Hội LHTN tổ chức.
Chị Hường, nhà ở quận 3, cho biết: “Tôi thấy cho cháu tham gia ở đây có vẻ thiết thực hơn. Được sinh hoạt tập thể, học kỹ năng mà không tốn nhiều thời gian, tiền bạc, chỉ tốn công đưa đón thôi”.
Liệu cơm gắp mắm như chị Đào, nhà ở đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) có 2 con học lớp 4 và lớp 7 thì “hè này cho 2 cháu đi học đàn ghi ta, còn các môn văn hóa thì đều tự học ở nhà”. Cũng theo chị: “Học thêm cũng rất cần nhưng tập cho các cháu kỹ năng tự học, tự tìm hiểu còn quan trọng hơn”.
Tính về thời gian, hè bây giờ không còn dài 3 tháng như trước. Nhiều trường sẽ tựu trường sớm theo thông báo của ngành giáo dục. Chỉ còn vỏn vẹn 2 tháng 6 và 7 để các cháu theo đuổi các lớp học thêm hay học kỹ năng. Hè, thực ra đang ngắn lại rất nhiều…
Cát Tường
Chơi mà học
Hè đến, nhiều gia đình hay tổ chức cho con em du lịch. Hè năm ngoái gia đình anh chị tôi tổ chức chuyến ra Bắc tham quan một số địa danh nổi tiếng ở Hải Dương như Văn Miếu Mao Điền, Côn Sơn, Kiếp Bạc. Sau chuyến đi, hai đứa con anh chị tôi hí hửng kể lại nào là các địa danh mới được biết, nào là được thưởng thức các món ăn địa phương… Nhưng khi tôi hỏi cháu lớn 14 tuổi vài nét cơ bản về nguồn gốc địa danh trên cũng như các vị tướng lĩnh, các nhân vật được tôn kính trong lịch sử nơi cháu đến thì cháu hoàn toàn không biết. Lẽ nào đến Văn Miếu Mao Điền lại không biết được nơi đó đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sĩ Nho học cho đất nước; đến Côn Sơn, Kiếp Bạc lại không biết đến Nguyễn Trãi… Như thế, những chuyến tham quan không mang lại nhiều ý nghĩa.
Chuyện khác, một lần gia đình tôi đi du lịch ở Thanh Hóa, con trai tôi thích học lịch sử nên đây là cơ hội để cháu khám phá, tìm tòi. Tuy nhiên, chúng tôi thật hụt hẫng vì nơi có người giới thiệu bài bản, nơi chỉ để khách tham quan tự tìm hiểu và phán xét dẫn đến sau chuyến đi mục đích của cháu không thực hiện được, chán nản, mất hứng thú.
Không chỉ hai câu chuyện trên mà hiện nay sự định hướng cho trẻ trong những chuyến tham quan cùng gia đình dường như bị người lớn xem nhẹ. Không ít phụ huynh vì chỉ thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình mà quên việc cho trẻ những bài học bổ ích qua những chuyến đi. Họ chỉ nghĩ rằng, đến đó trẻ được thoải mái, được sảng khoái, được chụp những tấm ảnh lưu niệm là đã hoàn thành tốt mục tiêu. Ít ai hiểu rằng những di tích lịch sử, chùa chiền, các khu du lịch… sẽ mang đến cho trẻ những bài học quý, làm cho trẻ phong phú về kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, đồng thời đó cũng là những biểu tượng trực quan dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thẩm thấu ở mỗi đứa trẻ.
Mùa hè đã đến, được đi chơi cùng gia đình ở các danh lam thắng cảnh, các lễ hội chùa chiền là niềm vui của các em nhỏ. Hãy làm cho chuyến đi chơi của các em trở nên bổ ích. Dù chỉ là tham quan, du lịch thì người lớn cũng cần chuẩn bị tốt cho một chuyến đi trọn vẹn, bên cạnh sự thanh thản còn giúp cho trẻ vừa vui, vừa học tập bổ ích. Đồng thời, ở mỗi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cần có những hướng dẫn viên giới thiệu bài bản, hấp dẫn để các em nhỏ không chỉ đến xem mà còn mong muốn được hiểu biết.
Nguyễn Văn Công (TP Biên Hòa, Đồng Nai)