Hiểm họa rình rập trên các chuyến đò, phà

Vụ chìm tàu tại Cần Giờ làm 30 người bị nạn, trong đó có 9 người chết, một phần do chở quá tải và hành khách không có dụng cụ cứu sinh. Qua đó cho thấy tình trạng thiếu an toàn trên các chuyến đò, phà hiện nay, khiến hiểm họa rình rập hàng ngày.
Hiểm họa rình rập trên các chuyến đò, phà

Vụ chìm tàu tại Cần Giờ làm 30 người bị nạn, trong đó có 9 người chết, một phần do chở quá tải và hành khách không có dụng cụ cứu sinh. Qua đó cho thấy tình trạng thiếu an toàn trên các chuyến đò, phà hiện nay, khiến hiểm họa rình rập hàng ngày.

        Coi thường tính mạng

Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT đã quy định về trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách đường thủy. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, trên nhiều chuyến đò, phà tại TPHCM, chủ đò và khách vẫn chưa thực hiện triệt để quy định này, hoặc chỉ mang tính chất đối phó. Tình trạng chở khách quá tải vẫn diễn ra.

Trên các phà ở bến phà Bình Quới (nối quận Bình Thạnh với quận Thủ Đức) đều có treo pa nô ghi Thông tư 15/2012/TT, nhưng chỉ mang tính hình thức, chẳng ai nghiêm chỉnh chấp hành. Từ lái tàu đến hành khách đều không mặc áo phao hay cầm dụng cụ cứu sinh. Các nhân viên trên bến và dưới phà cũng không nhắc nhở, đề nghị hành khách thực hiện đúng quy định. Vào những giờ cao điểm, nhiều người và xe chen chúc chật cứng trên phà, nhưng không ai mặc áo phao để phòng ngừa hiểm họa. Những chiếc áo phao cũ mèm, bụi bặm được buộc chặt trước buồng lái, nên nếu phà gặp sự cố, chắc chắn hành khách không thể lấy kịp áo phao để mặc vào người.

Phà An Phú Đông (quận 12) chưa cập bến nhưng nhiều hành khách đã lao ra mũi phà để giành đi trước, rất nguy hiểm.

Phà An Phú Đông (quận 12) chưa cập bến nhưng nhiều hành khách đã lao ra mũi phà để giành đi trước, rất nguy hiểm.

Tương tự, trên phà An Phú Đông (nối quận 12 với quận Gò Vấp), áo phao và dụng cụ cứu sinh chỉ được treo để “làm cảnh” trên lan can phà và đã bị hư hỏng nặng do nắng mưa. Thật đáng lo ngại, vì đây là tuyến giao thông huyết mạch liên quận, hàng ngày có nhiều người và xe qua phà, vậy mà vẫn không thực hiện việc phát và tuyên truyền cho người đi phà mang áo phao.

Anh Nguyễn Hùng Vân (ngụ quận 12) phân trần: “Mặc áo phao bất tiện, quá nóng, vả lại thời gian qua sông chỉ khoảng vài phút, chưa kịp mặc xong thì đã phải cởi ra rồi, cho nên ai cũng ngại mặc. Với lại cả mấy chục người không ai mặc áo phao, mà riêng có mình mặc thì… ngại lắm!”. Hành khách ngại mặc áo phao, nhưng không nghĩ rằng mình đang đánh đu với tử thần.

Quan sát gần 30 chuyến phà qua lại tại đây vào chiều ngày 6-8, chúng tôi thấy các chuyến phà chở xấp xỉ 60 người và xe máy, trong khi theo quy định thì loại phà này chỉ được chở từ 30 - 48 người. Khi các chuyến phà chưa cập bến, nhiều người đi bộ đã lao đến trước mũi phà để giành đi trước, bất chấp nguy hiểm đang rình rập bất cứ lúc nào. Cách phà An Phú Đông chừng 50m, có một bến đò đưa khách từ phường 5, Gò Vấp sang Miếu Nổi (nằm giữa sông Vàm Thuật). Đây là loại đò nhỏ có sức chứa chỉ 4 - 5 hành khách, vậy mà các chủ đò và hành khách vẫn bất chấp nguy hiểm, không mang áo phao khi đi đò. Những khi ngày rằm, lễ… các chủ đò còn chở thêm nhiều người để kịp chuyến, bất chấp nơi đây có nhiều tàu thuyền qua lại và sông rất sâu.

Kênh Đôi dọc theo phía Bắc quận 8 có nhiều bến phà, đò sang sông, tuy nhiên việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy vẫn không ổn. Tại bến phà Hội Đồng, việc trang bị áo phao cho hành khách cũng chưa được chủ phương tiện quan tâm. Trên phà SG3962 chở gần 20 người từ phường 7 quận 8 sang phường 15 quận 8, chỉ có vài chiếc áo phao và phao cũ gác trên mui và thân phà cho có lệ. Các đò nhỏ hơn ở các bến gần đó như bến đò Rạch Cát Sau (phường 7 quận 8), bến cạnh cầu Bà Tàng (phường 6 quận 8)… Bến đò An Lợi Đông (quận 2) đã bị cấm hoạt động từ lâu, tuy nhiên vào ngày 7-8, chúng tôi thấy các đò khách mang số hiệu SG1649, SG1654… vẫn còn neo đậu tại khu vực bến đò này và sẵn sàng chở khách khi có yêu cầu. Điều đáng nói, các đò ở đây thuộc loại nhỏ, cũ nhưng lại chạy cắt qua tuyến hàng hải nơi có nhiều tàu lớn qua lại, rất nguy hiểm.

Ngay cả trên các chuyến phà có tải trọng lớn tại TPHCM như phà Cát Lái (quận 2), Bình Khánh (Nhà Bè), Phú Định (quận 8), việc mặc áo phao vẫn không được tuân thủ, bất chấp sông rộng, sâu và có nhiều tàu lớn qua lại.

        Cần siết chặt chế tài

Theo Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) năm 2012 cả nước đã xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết 108 người, bị thương 12 người. Tuy giảm 53 vụ và giảm 38 người chết so với năm 2011, nhưng số vụ tai nạn có tính chất phức tạp vẫn không giảm. Nguyên nhân chính vẫn là các chuyến đò phà không đảm bảo an toàn, quá tải, hành khách không mang, đeo dụng cụ hỗ trợ cứu sinh trước khi xảy ra sự cố. Khi có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, chủ phà, chủ đò mới cho hành khách mặc áo phao, nhưng sau đó mọi chuyện lại diễn ra như cũ.

Thực ra, đa phần người dân đều ý thức được việc cần thiết phải mặc áo phao, nhưng thực tế phần lớn áo phao mà chủ đò đưa cho hành khách mặc đều cũ kỹ, hôi hám… Đây là cản ngại rất lớn trong việc chấp hành quy định mặc áo phao đối với nhiều hành khách khi đi đò qua sông. Anh Nguyễn Giàu ngụ quận Thủ Đức giải thích về lý do không chịu mặc áo phao của mình: “Mặc làm gì, áo hôi rình, ẩm mốc chưa kể dễ có nguy cơ mắc bệnh do nhiều vi trùng tích tụ lâu ngày trong áo phao…”. Thực tế khi nhìn qua đống áo phao được treo trên phà, chúng tôi thấy nhiều áo phao mốc, thâm đen lấm tấm, bốc mùi khó chịu vô cùng, chưa kể có nhiều áo phao đã hư hỏng nặng do mưa nắng.

Việc coi thường quy định mang tính bắt buộc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy đang là hiểm họa rình rập trên mỗi chuyến đò, phà. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của chủ đò và khách qua đò về việc mặc áo phao, trang bị dụng cụ cứu sinh, công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng cũng là biện pháp để đưa việc mặc áo phao qua đò thành thói quen, tránh hậu quả khôn lường.

ANH TUẤN

Tin cùng chuyên mục