Trong mấy ngày qua, tại TPHCM hay có mưa giông, làm nhiều cây xanh bị đổ ngã, thậm chí có khi trời không mưa, không gió nhưng vẫn có cây xanh đổ ngã, khiến người đi đường luôn nơm nớp lo sợ tai họa nguy hiểm đến tính mạng.
Nỗi ám ảnh của người đi đường
Chiều 8-5, cơn mưa chỉ trong vòng 30 phút kèm theo gió mạnh cũng đã khiến nhiều cây xanh trên địa bàn quận Gò Vấp bị ngã, trong đó có cây si đường kính gốc gần 1m bị bật gốc đè lên nhà dân. Ngày 9-5, dù trời không mưa, không gió nhưng trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1), một cây phượng đổ xuống, may là không gây thiệt hại. Trên đường Cống Quỳnh (quận 1), một nhánh cây rất to có đường kính hơn 50cm gãy, rơi xuống đất đè lên chiếc taxi và làm một người điều khiển xe máy bị thương. Nhánh cây này vẫn còn xanh tươi, không có dấu hiệu bị mục nhưng vẫn gãy rơi xuống đường. Ngày 15-5, trong mưa giông, một cây cổ thụ ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur (quận 1) bị bật gốc ngã xuống làm gãy trụ điện, đèn tín hiệu giao thông và đứt cáp viễn thông…
Những vụ gãy cành, đổ cây trên đường phố khiến nhiều người cảm thấy bất an khi ra đường và không nguôi nỗi ám ảnh về những cái chết thảm của những nạn nhân đã bị cây đổ đè chết trong những năm trước. Một thực tế đang tồn tại ở TPHCM, có rất nhiều cây ven đường rất mất an toàn. Những cây cổ thụ đã quá già cỗi có thể đổ ngã bất cứ lúc nào lại không được áp dụng các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn hiểm họa. Hiện nay, tình trạng cây xanh có tán xòe rộng, thân nghiêng lệch tâm vẫn tồn tại trên nhiều tuyến đường. Do tình trạng lấn chiếm vỉa hè nên trên các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thông, Tân Hưng… có nhiều cây xanh nằm lọt trong nhà dân, có thể gây ra tai họa khi mưa giông. Trên đường An Dương Vương, Nguyễn Chí Thanh, Cao Thắng... có nhiều cây xanh tán xòe rộng ra đường, trở thành mối nguy hiểm cho người đi đường.
Cây khô mục không được phát hiện kịp thời
Ngoài những cây xanh bị đổ ngã đột ngột do giông lốc, vẫn có nhiều cây bên trong thân đã có dấu hiệu bị mục rỗng, trở thành hiểm họa được báo trước nhưng không được phát hiện, đốn hạ kịp thời. Quan sát cây phượng bị đổ ngã trên đường Đinh Tiên Hoàng vào ngày 8-5 cho thấy thân cây đã bị mục, bên trong thân rỗng là nguyên nhân khiến cây đổ. Trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám có rất nhiều cây đã bị mục rỗng. Điển hình, cây xanh trước số nhà 67 Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) đã nghiêng ra đường, từ lớp vỏ bị bong tróc đã lộ ra phần ruột bên trong có dấu hiệu mục dần.
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc thắc mắc: “Với những cây bị mục rỗng bên trong, có thể cho là khó phát hiện ra. Nhưng vì sao nhiều cây đã chết khô đứng sừng sững bên đường, ai cũng thấy hiểm họa đã báo trước mà vẫn không được đốn hạ?”.
Trước số nhà 457 An Dương Vương (quận 5) có một cây đã chết khô, cao hơn 20m, nghiêng qua một bên. Một người dân sinh sống gần đó cho biết: “Cây cổ thụ này chết lâu lắm rồi. Giờ đã vào mùa mưa bão mà cũng không thấy ai đốn hạ cây khô này, khiến bà con nơm nớp lo”. Cách đó không xa, cây cổ thụ trước số nhà 496 Lê Hồng Phong (quận 10) cao hơn 15m, cũng đã chết khô, đe dọa người qua đường.
Trên đường 3 Tháng 2 (quận 10), nhiều cây có rễ lòi lên mặt đường, đã bị mục, rất dễ bị bật gốc khi trời mưa kèm theo gió mạnh. Hiện nay, một số cây xanh trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thị Minh Khai… có dấu hiệu bị mục nhưng vẫn chưa được đốn hạ, rất nguy hiểm.
| |
THANH HẢI