Hiện đại hóa thiết bị trường học: Yêu cầu cấp thiết

Từng bước hoàn thiện
Hiện đại hóa thiết bị trường học: Yêu cầu cấp thiết

Sáng 12-11, Báo SGGP phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức tọa đàm “Đổi mới trang thiết bị trường học - Những vấn đề đặt ra”. Buổi tọa đàm đã mổ xẻ vấn đề đang được dư luận, phụ huynh học sinh quan tâm. Đó là chủ trương hiện đại hóa trang thiết bị trường học, trong đó có việc đầu tư, sử dụng bảng tương tác sao cho có hiệu quả.

Học sinh lớp 8 Trường THCS Lý Phong quận 5, TPHCM trong giờ học nghề môn điện. Ảnh: Mai Hải

Học sinh lớp 8 Trường THCS Lý Phong quận 5, TPHCM trong giờ học nghề môn điện. Ảnh: Mai Hải

        Luồng gió mới

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đầu tư giải pháp công nghệ màn hình đa chức năng (hay còn gọi bảng tương tác) là một trong những chủ trương đúng đắn của TP trong việc thực hiện Đề án 448 về “Phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TPHCM giai đoạn 2011-2020” và Đề án “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”. Giai đoạn đầu của đề án đã thực hiện tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP theo phương thức 50% vốn từ ngân sách nhà nước, 50% kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh. Với tổng kinh phí gần 2.200 tỷ đồng đầu tư cho Đề án 448, trong đó 1.600 tỷ đồng đã được UBND TP phê duyệt, ngành GD-ĐT TP sẽ đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa trang thiết bị trường học.

Trong vai trò đơn vị đầu tiên tổ chức đấu thầu, bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5, cho biết: “Từ năm 2006, trong đợt tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, các thầy cô ao ước Việt Nam cũng có những bộ trang thiết bị hiện đại như thế để hỗ trợ quá trình giảng dạy. Rất mừng là đến nay, ao ước đó đã trở thành sự thực”. Hiện nay, ở tất cả 21 trường mầm non trên địa bàn quận 5 đều được trang bị một bộ bảng tương tác. Riêng đối với 16 trường ở cấp tiểu học, tùy thuộc nhu cầu và số lượng học sinh sẽ được trang bị từ 1 đến 4 bộ. Trong đó, một số trường thực hiện tốt công tác giảng dạy với bảng tương tác như Mầm non Vàng Anh, Mầm non Họa Mi 1, Tiểu học Trần Bình Trọng, Tiểu học Minh Đạo… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn thuộc về bậc mầm non. Giải thích thêm về điều này, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, bày tỏ: “Đối với các trường mầm non có nhiều điểm lẻ, việc đặt bảng ở đâu để học sinh có thể sử dụng tối đa và phát huy hiệu quả của các tiết học tập, vui chơi là điều phải cân nhắc”.

Trường Mầm non Họa Mi 3 quận 5, TPHCM sử dụng bảng tương tác trong công tác giảng dạy các cháu lớp lá làm quen với chữ viết. Ảnh: Mai Hải

Trường Mầm non Họa Mi 3 quận 5, TPHCM sử dụng bảng tương tác trong công tác giảng dạy các cháu lớp lá làm quen với chữ viết. Ảnh: Mai Hải

Không phủ nhận những lợi ích từ phương tiện này đem lại, cô Vũ Thị Mai Xinh, giáo viên Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5), chia sẻ: “Dạy học với bảng tương tác giúp giáo viên có thể tập trung khả năng chú ý của học trò. Mỗi khi tôi nhấp chuột để làm biến mất hoặc hiện ra một vật gì đó, các em đều ồ lên thú vị. Ngoài ra, những đoạn video clip, tranh ảnh được cài đặt sẵn trên màn hình cũng giúp tiết học trở nên phong phú, sinh động”. Đồng quan điểm, thầy Lê Tấn Lộc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) đánh giá, đây là một trong những công cụ giảng dạy giúp môi trường học đường trở nên thân thiện, học sinh năng động hơn. Màn hình tương tác thật ra cũng gần giống với màn hình điện thoại di động, giúp giáo viên dễ dàng thực hiện các thao tác kéo thả hiệu ứng, tăng tính tương tác giữa giáo viên với học sinh.

Từng bước hoàn thiện

Trong vai trò đơn vị tiên phong sử dụng bảng tương tác, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1 cho biết, từ cách đây 3 năm, nhiều trường học trên địa bàn quận 1 như TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, TH Lê Ngọc Hân, Trần Hưng Đạo, THCS Nguyễn Du, THPT Lương Thế Vinh đã trang bị bảng tương tác. Phát huy hiệu quả sử dụng, đến nay, ở 31 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn quận đã trang bị 46 máy. “Riêng đối với bậc tiểu học, kế hoạch ban đầu chỉ trang bị cho các trường có lớp tăng cường tiếng Anh. Song qua quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo quận trang bị cho tất cả các trường, tạo sự thống nhất trong việc thực hiện chủ trương của TP và sự đồng thuận của cha mẹ học sinh”, ông Căn cho biết. Cùng nhận định, ông Nguyễn Văn Nguyện, đại diện Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh bày tỏ mong muốn các trường đều được trang bị bảng tương tác để chia đều cơ hội học tập với trang thiết bị hiện đại cho tất cả các em.

Giải đáp băn khoăn này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sẽ xem xét đầu tư 100% cho các trường khó khăn. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng nên chăng TP đầu tư 100% kinh phí trang bị bảng tương tác với số lượng bằng một nửa so với kế hoạch đầu tư ban đầu để làm thí điểm thay vì phải kêu gọi phụ huynh đóng góp hoặc hỗ trợ các trường ít nhất 1 bảng tương tác bằng 100% kinh phí nhà nước. Sau đó từ hiệu quả sử dụng, các trường sẽ kêu gọi phụ huynh tham gia đóng góp phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị cần tập huấn thường xuyên cho giáo viên để nâng cao kỹ năng sử dụng bảng tương tác. Ngoài ra, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đề xuất sau mỗi năm học, đơn vị cung cấp nên khảo sát tình hình thực tế ở các trường để rút kinh nghiệm.

 
 
  • Bà Hoàng Thị Thúy Nga, Giám đốc khu vực phía Nam, Tổng Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) - đơn vị cung cấp thiết bị, cho biết:

“Bộ thiết bị dạy học tương tác đang được sử dụng ở các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TPHCM có nguồn gốc nhập khẩu từ Anh (Promethean) có tính năng vượt trội, thể hiện tính tương tác cao giữa giáo viên với học sinh. Đây là một trong những giải pháp giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên trên tinh thần lấy người học làm trung tâm, thỏa mãn nhu cầu và tối ưu hóa từng cá thể người học”.

  • Bà Trương Thị Việt Liên, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, đánh giá:

“Qua các đợt khảo sát trường mầm non có yếu tố nước ngoài tại TPHCM, ghi nhận cho thấy 100% các trường đều trang bị bảng tương tác. Đây là công cụ giúp phát triển hiệu quả năng lực thẩm mỹ, cụ thể là nghệ thuật tạo hình về màu sắc, âm thanh cho học sinh - những điều mà tranh ảnh và các bức vẽ màu nước của cô giáo không thể làm được. Tuy nhiên, thời lượng học với bảng tương tác phù hợp cho lứa tuổi mầm non nên từ 15 - 20 phút/lần học”.

 
 
 

THU TÂM - KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục