Chỉ trong gần 10 ngày đầu của tháng 12-2014, tại ĐBSCL diễn ra 5 hội thảo về nông nghiệp, trong đó chủ yếu đánh giá vấn đề “được - mất” của vựa lúa. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi có những diễn giả đã trình bày tham luận cùng một chủ đề từ 2 - 3 năm trước nhưng nói lại vẫn thấy “mới” vì nó là thực trạng kéo dài. Trong khi đó, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang lần giở những tờ lịch cuối năm mà thở dài vì hạt lúa bí đầu ra.
Nông dân và doanh nghiệp gặp “hạn”!?
Những ngày này, nông dân ĐBSCL gọi là thời gian giáp hạt. Lúa hè thu đã thu hoạch xong, lúa đông xuân chỉ hơn 1 tháng tuổi. Vì vậy, nhiều nông dân đã hết lúa trong nhà vẫn phải chạy gạo hàng ngày. Giá lúa gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra tuần đầu tháng 12-2014 vẫn “sáng”: Lúa khô tại kho ĐBSCL loại thường dao động từ 5.450 - 5.550 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.650 - 5.750 đồng/kg. Nhưng bảng giá của VFA đưa ra chủ yếu sau khi mua từ gạo của thương nhân rồi quy chiếu ngược lại cho ra giá lúa.
Thương lái thu mua lúa tại ruộng.
“Kiểm đếm” lại bảng thống kê giá lúa của cái gọi là “tại kho” của doanh nghiệp trong năm 2014 lúc nào cũng trên mức 5.000 đồng/kg, mức bình quân là 5.500 đồng/kg. Thực tế, đây không phải là giá lúa nông dân bán được. Giá lúa nông dân bán tại ruộng, tại nhà thấp hơn con số thống kê này từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, do thương lái trực tiếp mua. Người nông dân cứ thắc mắc: Tại sao VFA không thống kê giá lúa cụ thể của nông dân bán lúa cho thương lái. Có thời điểm trong năm, nhiều nông dân vùng sâu, vùng xa ĐBSCL bán lúa với giá rất thấp, có khi ngang hoặc thấp hơn giá thành sản xuất. Những thông tin giá lúa thấp chỉ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, chứ chưa có một cơ quan nào thống kê để biết “vùng trũng giá lúa”!? Dường như VFA chỉ muốn thể hiện một “gam sáng” trên bảng giá thu mua của họ và cố chứng minh giá thu mua của họ sẽ giúp nông dân đạt mốc lợi nhuận 30%.
Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu gạo khó khăn, VFA đã điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo theo hướng giảm số lượng. Song Việt Nam vẫn là một trong những nước dẫn đầu về số lượng xuất khẩu gạo với khoảng 6 triệu tấn trong năm 2014. Với khoảng 25 năm trên thương trường xuất khẩu, hạt gạo Việt Nam đã tạo nên nhiều kỳ tích. Từ việc “cấp hạn ngạch” và xóa bỏ để nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Thế nhưng năm 2014, được xem là năm “hạn” của VFA. Khi nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh lương thực “lòi ra” chuyện thua lỗ nặng, một số phải ra hầu tòa! Kèm theo đó là những lục đục trong nội bộ của VFA! Vì vậy, nhiều chuyên gia lúa gạo cho rằng: tái cơ cấu trong sản xuất lúa gạo cần phải tái cơ cấu lại chính bộ máy của VFA để loại trừ lợi ích nhóm, tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất gạo theo hướng có lợi cho nông dân và hài hòa với lợi ích doanh nghiệp.
Nông dân ĐBSCL ngày càng quan tâm đến các giống lúa chất lượng cao.
Chờ người điều hành “hiểu và chia sẻ”
Cuối năm, càng “kiểm đếm” lúa - gạo càng thấy nhiều thông tin “giựt mình” hơn. “Nhiều nơi ở vùng sâu xuất hiện tình trạng “cò” thu mua lúa. Theo đó, thương lái phải chi 20.000 - 25.000 đồng/tấn cho các cò lúa. Thực tế, khi chịu trả tiền cò, thương lái sẽ tìm cách “bóp giá” thu mua lúa của nông dân. Tình trạng “cò” cắt lúa cũng xuất hiện ở nhiều địa phương. Nếu tính ra chi phí cho 2 khoản “cò” này chiếm khoảng 2% giá thành sản xuất của nông dân. Dù rất chia sẻ với nông dân khi tốn thêm khoản phí khó chịu này nhưng rất khó dẹp nạn cò lúa” - ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, cứ vào mùa vụ, VFA lại “hô hào” sẽ triển khai các phương thức tổ chức “tận dụng” thương lái mua lúa trực tiếp từ nông dân, triển khai vùng nguyên liệu… Thế nhưng thực tế, sự biến chuyển là rất ù lì. Càng chua xót hơn, khi một lãnh đạo có tiếng trong VFA đưa ra nhận định: “Điểm nổi bật của chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL là có nhiều nhân tố trung gian tham gia vào cả công đoạn cung ứng đầu vào, dịch vụ sản xuất thu hoạch… Trong đó, 93% lượng lúa do nông dân bán cho thương lái”!?
“Tổn thương hạt gạo chia làm 8 phần”, PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (thuộc Trường ĐH Cần Thơ) đã dùng câu chữ rất hình tượng khi đề cập đến chuyện “Liên kết nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi lúa - gạo vùng ĐBSCL”. Cụ thể, PGS-TS Nguyễn Văn Sánh chỉ ra những “cực nhọc” của hạt lúa khi phân thân: “Chia cho nhà mình, nhà vật tư, nhà ngân hàng, nhà xuất khẩu, nhà an ninh lương thực…”!
Thương lái đang thu mua lúa của nông dân Hậu Giang.
Các nhà khoa học tâm huyết, trong 1 tuần qua đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa ở ĐBSCL. Trong đó, nổi lên là cần phải thu hẹp khoảng cách năng suất lúa trong nông dân gắn với thiết bị cải tiến; xây dựng các cánh đồng lớn canh tác lúa Jasmine, gạo trắng hạt dài. Đặc biệt là từng bước sản xuất lúa theo hướng VietGAP, Global GAP và xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Mới đây, nhiều người quan tâm đến một tham luận dài 9 trang của ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với chủ đề “Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn”. Có thể nói, chủ đề khá “hấp dẫn” khi lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm vấn đề “gút mắc” hiện nay trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Trong đó, ông Huỳnh Thế Năng nhấn mạnh đến chiến lược quan trọng của Vinafood 2: Thay đổi tư duy tiếp cận thị trường. Từ phương thức mua “gạo” sang tiếp cận “lúa” để kiểm soát chất lượng đầu vào cho chế biến xuất khẩu. Kèm theo là hợp tác, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn gắn với nhãn hiệu gạo. Ông Huỳnh Thế Năng là người rất tâm huyết với ngành nông nghiệp, hiểu khá sâu về đặc thù sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo ở ĐBSCL nên nhiều người đang chờ xem ông sẽ thể hiện vai trò ra sao trong vị trí Tổng giám đốc Vinafood 2 - một doanh nghiệp “xương sống” của xuất khẩu gạo Việt Nam. Đồng thời, bảng thuyết trình 9 trang giấy của ông mới đây cũng sẽ là “một cứ liệu” để “kiểm đếm” lại lúa gạo ĐBSCL trong thời gian tới…
|
CAO PHONG