Sau hơn 3 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Đề án 1-1133 về việc đưa kiến thức pháp luật về cơ sở phường - xã, quận 8 (TPHCM) đúc kết được bài học: Kiến thức pháp luật khi thấm vào cán bộ cơ sở và cư dân, sẽ góp sức đẩy lùi tội phạm.
5 mũi giáp công
Trên địa bàn quận 8 có ba phường 6, 12 và 14 là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, cũng là điểm đen về hoạt động mua bán sử dụng ma túy; trong đó, trọng điểm là phường 12. Do vậy, quận 8 chọn phường 12 làm điểm đột phá chống tội phạm ma túy. Toàn phường có trên 3.700 hộ, với trên 19.000 khẩu. Cư dân đa số là người lao động nghèo, làm thuê, buôn bán nhỏ, trình độ dân trí thấp. Địa bàn phường có nhiều hẻm nhỏ, chằng chịt đan xen trong khu dân cư nên tội phạm ma túy chọn làm cứ điểm bán lẻ ma túy cho con nghiện. Vì lợi nhuận quá cao nên một số hộ dân tham gia bán ma túy, dụ dỗ lôi kéo nhiều người vào con đường nghiện ngập.
Cuộc sống yên bình ở phường 12 - nơi từng là điểm nóng về mua bán, sử dụng ma túy
Ông Trương Hạ Long, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết: Để xóa điểm nóng về ma túy, cùng với biện pháp trấn áp mạnh của lực lượng công an, quận đã kiên trì thực hiện việc đưa pháp luật xuống cơ sở, nâng cao trình độ dân trí và kiến thức pháp luật cho cư dân. Khi kiến thức pháp luật của cán bộ cơ sở và cư dân được nâng lên sẽ tạo sức đề kháng để phòng chống tệ nạn ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật. Với việc thực thi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai Đề án 1-1133, quận đã đưa nhiều nội dung kiến thức pháp luật đến cư dân, như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… và đặc biệt là Luật Phòng chống ma túy. Người dân biết sử dụng đúng quyền của mình, sẽ không chấp nhận, không dung túng đồng lõa cho hoạt động tội phạm và mạnh dạn tố giác tội phạm.
Để đưa kiến thức pháp luật vào vùng nóng, quận đã xây dựng một chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật sâu rộng, với 5 mũi giáp công, gồm ngành tư pháp, văn hóa - thông tin, mặt trận tổ quốc, công an và cấp ủy 11 chi bộ trực thuộc cùng tham gia. Mỗi lực lượng tổ chức theo cách riêng của mình để đưa kiến thức pháp luật đến người dân. Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với phường căng nhiều băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan tại các khu vực trọng điểm. Mặt trận Tổ quốc quận và các đoàn thể tổ chức 37 cuộc tuyên truyền pháp luật cho trên 1.000 lượt đoàn viên, hội viên. Công an quận biên soạn và phát hành 4.500 tài liệu truyên truyền gửi đến các hộ dân. Phường duy trì tuyên truyền 2 buổi mỗi ngày thông qua hệ thống loa phát thanh. Cấp ủy của 11 chi bộ tổ chức quán triệt trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên bằng các hình thức đa dạng, như biểu diễn văn nghệ, hội thi hái hoa dân chủ, diễn tiểu phẩm, xem phim... Đã có 113 cuộc sinh hoạt đã tổ chức với sự tham dự của trên 41.000 lượt người.
Xây dựng các trụ cột
Phường 12 cũng dồn sức nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị, đoàn thể, xây dựng 17 tuyên truyền viên pháp luật từ những người am hiểu pháp luật, có kỹ năng tuyên truyền và nhiệt tình tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của lãnh đạo, chính quyền địa phương trong việc đưa kiến thức pháp luật đến từng cư dân, hộ gia đình đã làm thay đổi cách sống, cách suy nghĩ của người dân. Các điểm nóng về ma túy đang nguội dần, số người sử dụng, mua bán ma túy trên địa bàn đã giảm rõ. Về lâu dài, để xóa điểm đen ma túy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, cán bộ cơ sở, quận xây dựng các trụ cột là gia đình, nhà trường và chính quyền - đoàn thể xã hội. Quận phối hợp cùng ngành tư pháp tổ chức giáo dục kỹ năng sống, ý thức tự vệ trước những cám dỗ, sai trái. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (nằm trên địa bàn phường 12), lồng ghép các nội dung tuyên truyền cho các học sinh hiểu biết về tác hại của ma túy. Đã có 3 cuộc sinh hoạt được tổ chức với hơn 2.700 học sinh tham gia. Các nội dung sinh hoạt ngoại khóa cũng góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong nhà trường.
TRẦN YÊN