Các biển cấm xuất hiện rất nhiều nơi ở TPHCM, từ cổng bệnh viện, trường học, vỉa hè đến lề đường… Tuy nhiên, biển cấm cũng chỉ là vật vô tri nếu không có sự tác động của con người.
Không ngăn được hành vi xấu
Trước cổng các trường học và đặc biệt là cổng bệnh viện, những tấm biển cấm tụ tập buôn bán được gắn sát vào tường như để làm nhiệm vụ “quan sát” cảnh bán buôn tấp nập của các gánh hàng ăn. Điều này thấy rõ ở cổng Bệnh viện Hùng Vương (quận 5), Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10) hay cổng Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), THCS Lê Công Định (quận Bình Thạnh)…
Tại chân cầu Tham Lương, quận Tân Bình, dưới tấm biển “Khu vực nghiêm cấm tụ tập buôn bán” là các sạp bán hàng, nào gà quay, vịt quay, quần áo, đồ chơi, bánh kẹo, giày dép…
Ghé vào Khu phố văn hóa 4, phường 19, quận Bình Thạnh, con đường ăn theo của chợ Thị Nghè mới thấy nhiều điều đáng nói. Trên bức tường có tấm biển cấm nhỏ “Cấm tụ tập buôn bán ở đây”, thế là các tiểu thương không tụ tập buôn bán trên vỉa hè mà đổ dồn cả xuống lòng đường, thậm chí còn bày hàng ra tận giữa đường để tiện bề buôn bán. Cách đó không xa là cây cột xiêu vẹo cõng theo tấm biển “Nơi cấm họp chợ”, kế cây cột đó là hàng quần áo, hàng rau đông khách.
Nơi đây có tiếng về tình trạng lấn đường làm chợ, UBND phường 19 đã đem tấm biển ra đây cắm. Phía gần cổng chợ, kế chân cầu Thị Nghè, con hẻm này đã nhiều lần bị phản ánh vì tiểu thương buôn bán lấn chiếm hết đường đi của người dân trong hẻm và thải rác gây mùi hôi thối nhưng nhiều năm nay vẫn không cải thiện được tình trạng này. Gần đây, một tấm băng rôn quy định mức phạt các trường hợp vi phạm được căng lên giữa hẻm khiến con hẻm càng thêm rối mắt.
Ngay ngã ba Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh, sát vách chợ Bà Chiểu cũng có tấm biển cấm họp chợ, thế nhưng, từ 5 giờ sáng đến 23 giờ nơi đây lại buôn bán đắt khách hơn cả trong chợ. Hay như đường Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 1, trước đây con đường này không còn khoảng trống để xe lưu thông, người dân ngại chen chúc nên thường né đường này.
Sau một thời gian chính quyền phường Bến Nghé quản lý gắt gao, con đường đã hạn chế được phần nào tình trạng lấn chiếm. Tưởng chừng đã vào quy củ nên phường nới rộng quản lý và treo tấm băng rôn tuyên truyền “Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông” thì hàng quán lại tràn xuống đường và người tham gia giao thông lại… né.
Ngoài ra, không ít tấm biển “Cấm đậu xe” đều vô tác dụng trên nhiều tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng… khi taxi nối đuôi nhau xếp hàng ở đó.
Phải hành động quyết liệt
Sự xuất hiện của những tấm biển cấm lại càng kích thích người dân đối đầu với nó, làm ngược lại? Tại sao có tình trạng này? Câu hỏi thật không khó trả lời bởi chính quyền, cơ quan chức năng đưa ra quy định cấm cho có lệ, dân không thực hiện cũng không hề gì. Thực tế cho thấy các biển cấm sẽ vô dụng nếu không có sự giám sát, xử phạt.
Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần phải tuyên truyền cho dân biết về các quy định cấm, phạt và thực thi nghiêm túc. Tuyệt đối không được “đánh trống bỏ dùi”, khiến cho pháp luật bị coi thường.
Cần quy định trách nhiệm của chủ tịch phường nếu để tình trạng buôn bán không đúng nơi quy định hoặc đổ rác bừa bãi. Nên thực hiện với thái độ nghiêm túc để người dân không thể bỏ ngoài tai những quy định pháp luật. Đối với những nơi xả rác bừa bãi, cơ quan chức năng nên cho dọn dẹp thật sạch sẽ và giám sát, phạt nặng những ai vi phạm.
Ngoài ra, tuy có lực lượng cảnh sát môi trường nhưng hầu như chỉ hoạt động kiểm tra ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, hy vọng một phần lực lượng đó sẽ đảm nhiệm vai trò là “cảnh sát xanh” đi tuần hàng ngày trên các đường phố để ngăn chặn, xử phạt hành vi làm ô nhiễm môi trường.
Thu Hường