Hiệu lực của di chúc

Năm 1960 cha mẹ tôi tạo lập được căn nhà diện tích 60m² trên khuôn viên đất 192m² tại quận 2. Cha mất năm 1991. Năm 1992 mẹ lập di chúc để lại cho tôi toàn bộ nhà đất đó (vì các con khác đã được cơ ngơi riêng, cuộc sống ổn định) nhưng có ràng buộc là nếu tôi muốn bán hay cho ai thì thông qua người anh…

Năm 1998 mẹ tôi lập tờ di chúc khác, xác định ý chí để lại tài sản nói trên cho riêng mình tôi (và theo mẹ đó cũng là ý chí của cha tôi khi còn sống) và đã bỏ hẳn điều kiện ràng buộc tôi với người anh như nói ở di chúc năm 1992.

Tháng 4-2011 Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 lại dựa vào di chúc của mẹ tôi lập năm 1992 để đưa cả anh tôi vào đứng tên cùng tôi trong hồ sơ bồi thường với tư cách là cùng đại diện các đồng thừa kế.

Hỏi: Việc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ dựa vào di chúc năm 1992 để giải quyết mà bỏ mặc di chúc năm 1998 có đúng pháp luật không? Theo pháp luật thì di chúc nào có giá trị? Việc Ban bồi thường đưa anh tôi vào đứng tên cùng tôi như trên có hợp lý không?

Nguyễn Thị Đức, 146 tổ 35 ấp Cây Bàng 3, phường Thủ Thiêm, Q2

Trả lời: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ (Điều 646; Điều 662 khoản 1, khoản 3 Bộ luật Dân sự).

Như vậy di chúc năm 1998 đã thay thế và hủy bỏ di chúc năm 1992 – nên nếu áp dụng di chúc năm 1992 để xử lý vụ việc là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự đã nêu trên. Tuy nhiên về trường hợp của bà, do nhà đất là tài sản của cha mẹ tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên là tài sản chung của vợ chồng (mỗi người một nửa). Cha mất không để lại di chúc nên một nửa tài sản trên là di sản do cha bà để lại được chia đều cho cha mẹ ông (nếu còn sống), vợ và các con mỗi người một phần bằng nhau (Điều 27, 28 Luật Hôn nhân và Gia đình, Điều 676 Bộ luật Dân sự).

Tuy mẹ bà lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho bà, nhưng nó chỉ có giá trị đối với phần tài sản của mẹ bà có trong toàn bộ nhà đất này. Do đó việc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng đưa anh bà vào cùng với bà làm đại diện các đồng thừa kế trong việc bồi thường giải tỏa tái định cư là có căn cứ về mặt pháp lý vì anh bà cũng có phần tài sản (dù không nhiều so với phần tài sản mà bà được hưởng) trong toàn bộ nhà đất này.

Luật sư PHẠM QUANG HIỆP

Tin cùng chuyên mục