Đầu làng - Cuối phố
Hôm qua đến nhà, bạn đi vắng. Con bạn bảo: Ba lên nhà bà nội. Hóa ra, bạn đang nấu cơm cho mẹ già. Một món canh, một món mặn, một nồi cơm cho bà dùng đến chiều, bạn kể rất tự nhiên.
Bà cụ còn tự ăn được, bạn ngồi kế bên chăm. Bới cơm, châm thêm thức ăn, rót nước khi bà ăn xong. Nghe bạn kể, khi ba mất, mẹ sống một mình, dù con đông nhưng mẹ không thích ở nhà con. Bà lại không thích mướn người giúp việc, nên hàng ngày, buổi sáng bạn đều ghé nấu ăn cho mẹ.
Tự nhiên quý bạn hơn khi tưởng tượng cảnh đàn ông U.60 lui cui nấu bếp cho mẹ ở tuổi 80. Chợt nhớ bạn hồi nhỏ học chung nổi tiếng lười, chẳng làm gì đụng móng tay.
Anh cũng đã ở tuổi 60, nông dân, sáng quần quật chuyện đồng, nhưng ngày nào cũng vậy, cứ đến 3 giờ chiều là anh lui cui lo tìm mồi gì cho ba nhậu. Ba anh nay cũng đã 80 hơn. Trời cho ông còn nhấm nháp được vài ve bia, ly rượu. Nay con cá nướng, mai miếng thịt bò xào, ngày kia con khô bóp gỏi… hai cha con rù rì, rủ rỉ chuyện đời, chuyện trên trời dưới biển. Hôm nào nắng ráo, anh chở ông ra quán, uống vài chai thay đổi không khí, nhìn kẻ đi qua, người đi lại. Chuyện cha con chiều nào cũng nhậu với nhau đã vài chục năm nay.
Lo phục vụ cha già, thành ra anh ít giao lưu bè bạn bên ngoài. Đám giỗ, đám cưới, đám tiệc xảy ra buổi chiều, anh đều cáo không dự với lý do chăm sóc cha già. Ai cũng biết, cũng hiểu nên chẳng trách móc gì anh. Anh ẩn nhẫn ở nhà, xa lánh hội hè bên ngoài, nhưng ai cũng quý, khi nghe đến tên anh.
Một doanh nhân kể chuyện, đã từng cắt hợp đồng với đối tác quan trọng sau khi phát hiện đối tác ấy dù rất giàu sang nhưng đối xử với mẹ không ra gì. Anh nói: “Người đó bất hiếu với mẹ, thì trước sau gì cũng lật lọng với bạn bè, đối tác. Cắt trước chắc ăn. Lấy nhân nghĩa là gốc sống ở đời, thì chữ hiếu đứng hàng đầu!”.
NGUYÊN AN