Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân vừa ký văn bản yêu cầu lãnh đạo các sở - ngành và chủ tịch UBND các quận - huyện nghiên cứu kết quả phân tích hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) do UBMTTQ Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào cuối tháng 3 vừa qua. Kết quả nghiên cứu làm cơ sở để lãnh đạo TP tiếp tục chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Mâu thuẫn
|
Theo ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), PAPI được xây dựng để đánh giá hiệu quả quản trị công của chính quyền địa phương cấp tỉnh - thành theo 6 trục nội dung gồm: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; TTHC và cung ứng dịch vụ công. Qua khảo sát và lấy ý kiến của 5.568 người dân tại 30 tỉnh - thành cho thấy, TPHCM đứng đầu ở tất cả các nội dung. Trong đó, nội dung về kiểm soát tham nhũng và TTHC có tỷ lệ người dân hài lòng đạt trên 80%. Kết quả này phản ánh những nỗ lực của chính quyền TP nhiều năm qua trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, đấu tranh ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy chính quyền và trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Trong khi đó, PCI được xây dựng trên 9 chỉ số, thể hiện năng lực cạnh tranh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đánh giá kết quả khảo sát và lấy ý kiến tại 7.300 DN của 63 tỉnh - thành trên cả nước, TPHCM đứng thứ 23. Đáng chú ý là một số thành tố của PCI như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo TP… có tỷ lệ đánh giá về mức độ hài lòng của DN rất thấp. Kết quả này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh.
Như vậy, so sánh giữa PAPI và PCI có sự mâu thuẫn, phản ánh một thực tế là mặc dù hiệu quả quản trị hành chính công đứng đầu nhưng năng lực cạnh tranh lại đứng sau nhiều địa phương. Đây là vấn đề mà lãnh đạo TP chưa yên tâm, cho thấy các chính sách và giải pháp đề ra trong những năm qua chưa mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Hoàn thiện công tác quản lý và điều hành
Đó là mục tiêu và yêu cầu của lãnh đạo TP trong chỉ đạo đối với các sở - ngành và quận - huyện khi tiến hành nghiên cứu kết quả phân tích PAPI và PCI để làm cơ sở đề ra các chính sách cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, chúng ta không nên quan tâm nhiều đến thứ hạng trong các bảng xếp hạng của PAPI và PCI, vì cạnh tranh về thứ hạng không có ý nghĩa thực tiễn. Điều cần làm là TP nên tổ chức nghiên cứu các chỉ số thành phần, học hỏi kinh nghiệm tốt từ các địa phương trong cả nước với tinh thần cầu thị, rút ra các thông tin hữu ích và cụ thể để các sở - ngành và quận - huyện tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý và điều hành, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, hỗ trợ có hiệu quả cho sản xuất và phát triển của các DN.
Vì PAPI là bộ chỉ số mới được công bố lần đầu, nên cơ sở để đánh giá sự tăng hay xuống hạng chưa có cơ sở xác định chính xác. Song với sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của lãnh đạo TP, đã cho thấy những nỗ lực và tinh thần cầu thị, học hỏi, nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ các địa phương nhằm tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển TP trở thành trung tâm về nhiều mặt của cả nước.
Hoài Nam