Theo báo cáo của UBND TPHCM, thông qua chủ trương xã hội hóa các hoạt động trong công tác chăm lo tết năm Đinh Dậu 2017, ngân sách nhà nước tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng.
Chỉ riêng phần chi phí trang trí 10 tuyến đường ánh sáng ở khu vực trung tâm TP, không những ngân sách đã không phải chi ra đồng nào mà còn thu về được từ các doanh nghiệp tài trợ là hơn 10 tỷ đồng. Số tiền trên và nhiều khoản tiết kiệm khác được UBND TPHCM chi hết vào các khoản chăm lo tết cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có công với mức chăm lo cao hơn so với mọi năm gần 20%...
Nhiều tuyến đường tại khu trung tâm TP rực rỡ sắc màu được thực hiện theo mô hình xã hội hóa
Chính phủ đánh giá, nhiều năm qua TPHCM là địa phương thực hiện khá tốt và hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nổi bật là nội dung chi tổ chức các hội nghị, tổng kết, lễ kỷ niệm được quy định chặt chẽ từ khâu dự toán đến điều hành chi, với yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải kết hợp các nội dung triển khai công việc để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức và không được sử dụng ngân sách nhà nước để chi quà biếu, quà tặng. Ngoài nội dung trên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức còn phải cam kết thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, 12% kinh phí chi hội thảo, hội nghị, tọa đàm, cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác. Phần tiết kiệm được từ các khoản chi trên tuy mỗi năm chỉ vào khoảng gần 3 tỷ đồng nhưng là con số nhiều ý nghĩa, trong điều kiện nguồn thu bảo đảm các khoản chi cho mục đích chung của TP đang được tiết giảm tối đa.
Nhưng xét trên tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn có điểm bất cập. Ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, ý thức tiết kiệm về sử dụng điện nước, văn phòng phẩm, xăng dầu, công tác phí, hội nghị, hội thảo, mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc… vẫn chưa được chú trọng. Nhiều nơi còn lãng phí hoặc khai thác không hiệu quả nguồn lực sẵn có; cá biệt có tình trạng lợi dụng chi cho mục đích cá nhân, đưa ra giá các sản phẩm, dịch vụ không đúng thực tế thị trường để hưởng hoa hồng, khai khống giá trị tài sản và các khoản chi để chiếm đoạt… Tất cả những việc làm đó không chỉ gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, mà còn là dấu hiệu của hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần được các cơ quan thẩm quyền kiểm tra, giám sát và phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật…
Để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thành phố nên nhân rộng mô hình và cách làm xã hội hóa các hoạt động chăm lo hiệu quả như tết vừa qua đối với một số hoạt động, công việc khác. Trong đó, có thể áp dụng vào một số hoạt động, công việc như: mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc, tổ chức các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm… bằng hình thức xã hội hóa. Nhà nước có thể bỏ ra một phần ngân sách để chi các hoạt động, sự kiện, phần lớn còn lại nên để các doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân tham gia tài trợ dưới hình thức hỗ trợ âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, văn nghệ, in ấn tài liệu, địa điểm tổ chức, phương tiện đi lại hay quà bằng sản phẩm tặng đại biểu… Từng phần tài trợ nên tách bạch và công khai đến mọi người nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các cá nhân, đơn vị tham gia tài trợ và kiểm soát, ngăn chặn những tiêu cực phát sinh. Cách làm này nhiều nơi đã làm và đạt hiệu quả cao, góp phần tiết giảm đáng kể kinh phí của Nhà nước và chống thất thoát, tiêu cực, lãng phí trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.
HOÀI NAM