Kết quả đó có được là nhờ các giải pháp, chương trình đột phá để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2021.
Kỷ lục về thu hút đầu tư
Năm 2017, tỉnh Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án (DA), với tổng vốn đầu tư 746,34 triệu USD, tăng 13% về số DA và tăng 173% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Đặc biệt, việc triển khai DA cũng khá ấn tượng với số vốn thực hiện đạt 315,79 triệu USD (tăng 5,4% so với cùng kỳ); vốn thực hiện lũy kế trên địa bàn tỉnh đến 31-12-2017 đạt khoảng 2.754,3/5.137,1 triệu USD, chiếm 53,6% tổng vốn đăng ký, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (2 ngành chiếm tỷ trọng cao nhất với 24/27 DA).
Trong năm 2018, Tây Ninh cũng đón nhận thêm nhiều DA mới, trong đó đáng chú ý là số lượng các DA tăng kỷ lục trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 10, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 23 DA có tổng vốn 352,304 triệu USD, tăng 15,4 % số DA so với cùng kỳ; trong đó, có 11 lượt DA đăng ký tăng vốn thêm 105,06 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong quý 3-2018, thu hút vốn FDI đạt 289,66 triệu USD, tăng 93% so với quý 3-2017, nâng tổng số DA FDI lên 286 và tổng vốn đăng ký hơn 5,64 tỷ USD. Các quốc gia có số vốn đầu tư nhiều nhất là Trung Quốc (66,6%), Malaysia (9,9%) và Hàn Quốc (6,2%), với các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến là chính (chiếm 90,06%).
Cú hích từ nhóm chương trình đột phá
Để tạo bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư FDI vào 2 lĩnh vực thế mạnh là nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, UBND tỉnh Tây Ninh đã quyết định thành lập nhóm công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2017 - 2021; trong đó, cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được triển khai thực hiện, góp phần tạo nên kết quả trên.
Từ tháng 3-2018, tỉnh Tây Ninh đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính công, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính với 98,95% số hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn; trong đó có 16,56% số hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến thành công. Cũng tại Trung tâm Hành chính công, từ tháng 11-2018, nhiều thủ tục hành chính sẽ được số hóa và người dân có thể thực hiện trên các thiết bị di động. Từ đó, các thông tin sẽ truyền tải về trung tâm thông tin xử lý và phản hồi kết quả cho người dân, doanh nghiệp bằng tin nhắn.
Ông Kiều Công Minh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Tây Ninh, cho biết, đã có 85,5% trong số 261 doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tốt và rất tốt môi trường đầu tư của địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa. Các chỉ số đánh giá của doanh nghiệp dựa trên sự minh bạch về thủ tục hành chính, quy hoạch ngành nghề và thái độ tiếp nhận, giải quyết công việc của cán bộ công chức cao.
Với chủ trương tạo bước phát triển đột phá kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã phát triển được các DA lớn, góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh như: DA điện mặt trời (dự kiến trong năm 2019 sẽ bắt đầu phát điện, góp phần đảm bảo cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn); siêu thị Copmart Tân Châu, Gò Dầu, Phước Đông, đặc biệt là Trung tâm thương mại Vincom sẽ tạo thêm sự đồng bộ cần thiết cho môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội cũng được quan tâm phát triển, điển hình là các trường học và bệnh viện, khách sạn như: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, khách sạn Hồng Hưng... sẽ góp phần thuận lợi trong thu hút đầu tư cũng như chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen đến năm 2035. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để mời gọi đầu tư theo quy hoạch, tạo bước đột phá phát triển ngành này trong thời gian tới. Về phát triển ngành nông nghiệp, tỉnh cũng đã định hướng được những vùng cần chuyển đổi, những cây trồng phù hợp và chuẩn bị sắp xếp quỹ đất công, xây dựng tiêu chí đấu thầu để lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và tăng cường chuỗi liên kết để tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận.