Hiệu quả tương đối!

Thời điểm hiện tại, hầu hết trường ĐH trên cả nước đều đã hoàn tất khâu chấm bài, ráp phách, chuẩn bị công bố điểm chuẩn dự kiến vào các ngành đào tạo. Năm nào cũng vậy, ngoài những tấm gương thí sinh nổi bật, những bài làm đạt điểm số cao chót vót, dư luận lại đau đáu hướng về kết quả thống kê hàng ngàn bài thi đạt từ 0-2 điểm, tập trung chủ yếu ở các môn xã hội.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, số lượng thí sinh dự thi vào các ngành khối C không nhiều, chỉ chiếm khoảng 4% - 5% tổng số hồ sơ dự thi ĐH nhưng thiểu số này lại luôn trở thành tâm điểm chú ý của xã hội. Từ nội dung bài làm của thí sinh gây sốc, hàng loạt bất ổn trong biểu điểm phân chia đáp án đến những chuyện chấm thi “cười ra nước mắt” của các thầy cô giáo.

Cô Nguyễn Thị H., giáo viên dạy Sử một trường THPT ở quận Bình Thạnh cho biết, kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay có khá nhiều bài làm thí sinh “bày chữ” hơn 3 trang giấy nhưng so mãi với đáp án giáo viên cũng không thể cho quá 0,25 điểm. Nhiều bài thi nhầm lẫn kiến thức cơ bản trầm trọng như “Hồ Chí Minh về nước năm 1975, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mở chiến dịch mang tên mình để kết thúc chiến tranh với Pháp”, “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1975 cùng Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân chiến thắng Điện Biên Phủ” hay “Nhật Bản là thành viên đồng sáng lập tổ chức ASEAN”… khiến ngay cả những bộ óc giàu trí tưởng tượng nhất của người chấm thi cũng phải đầu hàng vì sự “sáng tạo” quá táo bạo của các em. Thậm chí trong một bài thi, thí sinh còn “dũng cảm” trình bày nguyên nhân “trật tủ” kiến thức yêu cầu trong đề thi, tha thiết xin được trình bày diễn biến một sự kiện khác thay thế. Có em đem cả kiến thức văn học, địa lý vào bài làm môn lịch sử, hoặc dông dài phân tích nguyên nhân, ý nghĩa của một sự kiện – hai phần kiến thức không đòi hỏi quá nhiều khả năng ghi nhớ nhưng lại bỏ qua phần diễn biến cốt lõi, vốn là yêu cầu chính của đề thi.   

Riêng ở môn Lịch sử, công tác chấm thi đã hoàn tất nhưng không ít giáo viên vẫn bày tỏ bất bình về đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT, dù đáp án này đã qua hai lần sửa chữa. Để thí sinh không chịu thiệt thòi, nhiều người phải “chấm với tất cả tình thương” – cách nói đùa của một giáo viên chấm thi ở hội đồng THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), kiên nhẫn tìm từng 0,25 điểm cho thí sinh, bù lại những ý các em trình bày nhưng không có trong đáp án.

Ở môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cũng chọn cách chấm điểm linh hoạt, dựa trên thang điểm nền của đáp án có thể linh động “tặng” thêm điểm sáng tạo những bài làm bày tỏ được quan điểm cá nhân, có lối trình bày, diễn đạt thuyết phục, khác với kiểu lập luận “giáo khoa” vốn có trong nhà trường. Song những “du di” cá biệt ấy liệu có đủ cho một sự “công bằng” trong một cuộc đua mà ở đó, điểm số chỉ cần tăng, giảm 0,25 điểm đã thay đổi cả một số phận con người? Bên cạnh đó, một trong những điều khiến người ta không tài nào lý giải là khoảng cách chênh quá lớn về điểm số ở các môn xã hội giữa hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Đành rằng mỗi kỳ thi có một mức độ ra đề khó và mục đích sàng lọc khác nhau. Song nếu nhìn vào phổ điểm quá đẹp sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp, để rồi sau đó không lâu lại ngỡ ngàng, đau xót trước hàng ngàn con điểm liệt, “ngạc nhiên chưa” trước những lỗi sai kiến thức cơ bản của thí sinh thì ngay cả người lạc quan nhất cũng không tránh khỏi cảm giác hoài nghi, lo lắng. 

Ấy vậy mà kết quả tuyển sinh năm nào cũng được những người có trách nhiệm đánh giá là thành công, nghiêm túc. Đơn vị tuyển sinh lẫn người dự tuyển năm nào cũng lao vào một cuộc đua xuất phát từ những điểm số “tương đối”, mang tính may rủi, học tài thi phận nhiều hơn phản ảnh thực chất năng lực học tập của các em. Vì vậy, tính công bằng và hiệu quả của một kỳ thi mang tính chất tầm cỡ quốc gia cũng chỉ dừng lại ở mức độ tương đối...

THANH THU

Tin cùng chuyên mục