Hóa giải bạo lực, cách nào?

Sáng 12-9, hơn 200 phụ huynh đã tham dự buổi tọa đàm “Giáo dục hóa giải bạo lực” do Trường Tiểu học Mầm non quốc tế Tuệ Đức (Pathway International School, TPHCM) tổ chức.

Trong bối cảnh bạo lực có xu hướng gia tăng với hàng loạt vụ việc đau lòng diễn ra gần đây, các bậc cha mẹ đều quan tâm mong muốn con mình được an toàn khi đến trường. Vậy làm gì để hóa giải nỗi lo túc trực này và trang bị cho con thái độ đúng đắn với bạo lực?

Phụ huynh một bé trai học tiểu học kể rằng con mình đi học về và tỏ ra không vui, tỏ ra sợ sệt các bạn trong lớp. Lý do là cháu bị các bạn tẩy chay không chơi chung, không nói chuyện và giờ ngủ thì luôn bị bạn khác lấy chân đạp… Câu chuyện bắt nạt ở học đường luôn nảy sinh ở các độ tuổi, cấp học và nạn nhân nhỏ tuổi sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Mỗi năm, cả nước xảy ra hàng trăm vụ bạo lực học đường, trong đó bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần giữa học sinh với học sinh và giữa giáo viên với học sinh ngày càng diễn biến phức tạp. Nhấn mạnh thực tế này, ông Đỗ Quốc Anh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng “Bạo lực học đường đang là vấn đề báo động và rất cần được hóa giải, ngăn chặn kịp thời”. Phân tích nguyên nhân và mầm mống dẫn đến bạo lực, ông Đỗ Quốc Anh khẳng định dù nguồn gốc sinh ra bạo lực ở đâu, tính chất như thế nào thì cũng cần hóa giải bằng giáo dục, kết hợp giữa ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, giáo dục trong gia đình luôn là cái nôi quan trọng, gieo những hạt mầm nhân cách đầu tiên cho trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý - thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm thì nhân cách của trẻ được hình thành từ rất sớm (độ tuổi mầm non, tiểu học). Vì thế, nếu bị tác động, bị ảnh hưởng xấu, nhất là bị bạo lực xâm hại thì sẽ để lại di chứng rất khó khắc phục cho các em. Trong những năm đầu đời được gọi là giai đoạn vàng này, trẻ em cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt và chính sự yêu thương của cha mẹ, môi trường học đường thân thiện sẽ giúp những thiên thần nhỏ bé phát triển nhân cách hài hòa. Khi được gieo nhân cách tốt, các em sẽ biết cách kiểm soát cảm xúc, hành động đúng, nói “không” với bạo lực. Chỉ ra sự mất quân bình trong cấu trúc nhân cách và sự phát sinh mâu thuẫn giữa “cái tôi và siêu tôi” - dẫn đến tư duy bạo lực, chuyên gia Nguyễn Thị Tâm đã đưa ra những lời khuyên, giải pháp giúp các bậc cha mẹ, thầy cô hóa giải bạo lực, điều chỉnh sự manh nha của bạo lực trước khi quá muộn.

Tương tự, ông Trần Việt Quân (Câu lạc bộ Dạy con nên người) cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về rèn luyện cho trẻ thái độ, cách ứng xử đúng đắn với bạo lực ở môi trường học đường, gia đình cũng như xã hội. Theo đó, những đứa trẻ yếu đuối dễ trở thành nạn nhân của bạo lực và những học sinh hung bạo dễ trở thành người gây tội ác. Nếu chúng ta nuôi dạy con cái trưởng thành, sống có đạo đức, biết làm người đúng nghĩa thì sẽ giúp xã hội bình an, hạnh phúc. Để giúp hạt giống của mình trưởng thành và nói “Không” với bạo lực thì cha mẹ phải nuôi và dạy con theo phương pháp giáo dục nào cho hiệu quả? Phân tích sự khác biệt cũng như quan niệm sai lầm trong giáo dục con cái của người Việt, ông Trần Việt Quân nhấn mạnh gốc rễ yếu tố thành công chính là trang bị cho con đạo đức, trí tuệ, nghị lực. Ba gốc rễ này là hành trang, kỹ năng sống và phải được nuôi dưỡng, chăm bón thường xuyên để cây nhân cách đơm hoa kết trái ngọt. Cụ thể, trí tuệ cho trẻ nhận biết đúng sai; đạo đức giúp trẻ hành động đúng đắn, ngăn ngừa nhân cách bất thiện; còn nghị lực giúp các em duy trì tăng cường trí tuệ lẫn đạo đức cho đến khi gặt hái thành công.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục