Hoa kiểng tết: Giá tại vườn không tăng nhiều

Hoa kiểng tết: Giá tại vườn không tăng nhiều

Thời tiết luôn là yếu tố gần như quyết định sự thành bại của nhà vườn trồng hoa kiểng mùa tết, qua đó ảnh hưởng đến việc cung cầu thị trường. Những người trồng hoa tết luôn phải dõi theo sự bất thường của thời tiết để xử lý kỹ thuật theo kinh nghiệm, sao cho ra hoa phù hợp với thời điểm tết. Nhưng với nghề này, người thắng, kẻ thua luôn song hành.

Lan hút hàng, mai nhiều nụ 

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Củ Chi (TPHCM), địa phương có diện tích lan các loại (cắt cành, chậu) nhiều nhất TP, cho biết, thời tiết năm nay ở TPHCM và khu vực lân cận khá phù hợp cho việc trồng hoa tết. Với hoa lan các loại, có thể nói là lượng hoa trên cành tăng hơn khoảng 20%, nhất là hoa Mokara. Cùng với Dendrobium, đây là 2 loại hoa nhiệt đới thu hoạch quanh năm, nhưng mùa tết vẫn là quan trọng nhất khi nhu cầu tăng mạnh qua từng năm. 3 năm nay, mùa tết nào lan Dendrobium cũng hút hàng. Cách đây gần 1 tháng, thương lái các tỉnh đã tìm về Củ Chi đặt mua, nên đến giờ hầu như không còn hàng cung ứng cho thị trường tại chỗ. Khảo sát tại các nhà vườn sản xuất cho thấy, lan Dendrobium trồng chậu được tiêu thụ mạnh nhất, các nhà vườn không đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, thương lái từ các tỉnh miền Tây đã lên các vườn lan huyện Bình Chánh thu gom lan Dendrobium trồng chậu từ hai tháng cuối năm 2015. Tại huyện Hóc Môn, sản phẩm lan Dendrobium trồng chậu được xuất đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đến nay, các vườn không còn hoa để bán.

Điểm bán hoa tết tại thị trấn Củ Chi

Điều này cũng được anh Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Công ty TNHH hoa lan Hoàng Hòa (có vườn lan Dendrobium xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi và huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) xác nhận. Lan chậu Dendrobium của công ty anh đã giao hoặc đã có người đặt mua từ các nơi. Ngay tại vườn lan Dendrobium của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Dung, ấp Bàu Tròn, xã Nhuận Đức (Củ Chi), khi chúng tôi đến, chị đã giao cho khách hàng vài trăm thùng, mỗi thùng 100 cây nên trong vườn không còn nhiều. Dendrobium là loài lan nhiệt đới, giá cả phù hợp với túi tiền người dân có thu nhập khá trở xuống. Trung bình giá tại vườn khoảng 30.000 đồng/chậu. Riêng Dendrobium cắt cành giá 500 - 700 đồng/bông. Lan Mokara cắt cành, giá bán tại vườn cũng không tăng, 7.000 - 8.500 đồng/cành; Mokara vàng nến 150.000 đồng/cây; Mokara vàng chanh (2 phát hoa) 250.000 đồng/cây.

Mai vàng vẫn là loại có sức tiêu thụ lớn ở phía Nam. Đến thời điểm này, dù các vườn ở Thủ Đức mai đã nở khoảng 20% số cây, nhưng do có lượng nụ nhiều nên các nhà vườn vẫn cung cấp mai nở đúng tết. Thời tiết năm nay có phần thuận lợi trong khu vực nên mai tạo nhiều nụ. Giá tại vườn tăng nhẹ (khoảng 5%) so tết rồi. Không chỉ cung cấp cho thương lái quen thuộc, khách hàng còn là các đơn vị kinh doanh và người dân TP, một số vườn mai tại khu phố 7, phường Linh Đông (Thủ Đức) và phường An Phú Đông (quận 12) đã xuất bán ra Hà Nội từ ngày 27-1. Lượng mai được khách hàng đặt mua khoảng 25% vườn. Phần lớn còn lại của các nhà vườn đã có khách hàng đến thuê, một số chuẩn bị mang ra các chợ bán. Giá cho thuê mai cũng như mọi năm, khoảng 20% - 40% so với giá bán mỗi cây, tùy theo đường kính thân, chiều cao và thế cây.

Giai đoạn sôi động

Có thể nói, thị trường hoa kiểng TPHCM dịp Tết Bính Thân 2016 đang vào giai đoạn sôi động. Chợ hoa tết cấp TP được tổ chức tại 3 công viên: 23 Tháng 9, Gia Định và Lê Văn Tám. Đồng thời, nhằm phục vụ nhu cầu mua bán các mặt hàng hoa kiểng vào dịp tết trên địa bàn các địa phương nhằm giảm bớt lượng người, xe cộ tập trung vào khu vực trung tâm, TP còn cho phép tổ chức chợ hoa tết tại 128 điểm ở 21 quận, huyện.

Khi chưa chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang nông nghiệp đô thị, ngoài hoa mai, cây kiểng với diện tích chưa nhiều, ngoại thành TPHCM chủ yếu trồng hoa nền như cúc, vạn thọ, huệ trắng… Nhưng hơn 10 năm nay, TPHCM trở thành địa phương đi đầu về lan nhiệt đới (Mokara, Dendrobium, Cattleya…). Hoa kiểng trở thành sản phẩm nông nghiệp đô thị được khuyến khích phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ. Vì vậy, diện tích hoa kiểng tăng bình quân 3,3%/năm. Đến cuối năm 2015, diện tích hoa kiểng TPHCM trên 2.250ha, tăng 5,6% so năm 2014 (2.130ha). Bao gồm: Mai vàng, chiếm 38% diện tích sản xuất hoa kiểng tết TP với diện tích 366ha, chủ yếu ở huyện Bình Chánh, Củ Chi, quận 9, Thủ Đức; bonsai, kiểng, chiếm 30% tổng diện tích với hơn 291ha, tập trung tại Củ Chi, quận 12, Bình Chánh, Thủ Đức; hoa lan các loại, chiếm 24% với hơn 227ha, tăng 9% so với cùng kỳ, địa bàn sản xuất tập trung tại Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức; hoa nền chiếm 7% tổng diện tích, khoảng 71ha, tăng 7,6% so với cùng kỳ, bao gồm như cúc, vạn thọ, sống đời, mồng gà, hướng dương…

Theo nhận định của ngành nông nghiệp TP, lượng hoa, cây kiểng sản xuất phục vụ dịp Tết Bính Thân 2016 khoảng 617.000 chậu mai vàng (không tăng so với cùng kỳ), 4,3 triệu chậu lan (tăng 35,9% so với cùng kỳ), 6,3 triệu cành lan cắt cành (tăng 27,1%), 2,6 triệu chậu hoa nền, 1,9 triệu chậu bon sai, kiểng. Tổng giá trị sản lượng hoa, cây kiểng phục vụ Tết Bính Thân khoảng 1.560 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ (1.339 tỷ đồng).

Trong các chủng loại hoa kiểng của TP, mai vàng chiếm giá trị cao, không những cung cấp cho nhu cầu tại chỗ mà còn cung ứng cho nhiều thị trường. Việc chuyển giao kỹ thuật tác động mai nở đúng tết, thông tin dự báo thời tiết đến người sản xuất được Khuyến nông TP phối hợp với các quận, huyện tổ chức kịp thời, hiệu quả, nhà vườn đã chăm sóc, tạo sản phẩm đẹp phục vụ tết. Tại các vườn sản xuất, việc tiêu thụ khá tốt. Giá cả các loại hoa, cây kiểng tại các nhà vườn tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhưng giá bán khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn tùy thuộc vào nguồn hàng cung từ các nơi và sức mua của người dân.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục