Mặc dù đang bước vào những tháng cao điểm mùa thi nhưng ở nhiều nơi, thư viện trường học vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng bóng người đọc. Trong khi bụi bặm bám đầy các kệ sách, nhân viên thủ thư ngồi ngáp vắn thở dài thì một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn ra ngoài tìm mua tài liệu, kể cả những đầu sách đã có trong danh mục thư viện trường mình. Vì sao?
Cung - cầu chệch hướng
Minh Quân, sinh viên năm nhất đang học tại cơ sở Linh Trung, quận Thủ Đức, Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TPHCM cho biết: “Buổi sáng tụi mình vào học thư viện trường chưa mở cửa. Trưa tan học thư viện đã đóng cửa im lìm. Ai có nhu cầu đọc sách chỉ có thể tranh thủ đến vào khoảng 30 phút giờ ra chơi ngắn ngủi hoặc vào những hôm trống tiết. Do đó, dù biết ra ngoài mua tài liệu tốn tiền nhưng nhiều bạn vẫn chọn cách mua lại sách cũ hoặc sao chép phiên bản gốc, vừa đỡ mất thời gian canh me, cắm chốt tại thư viện vừa khỏi phải làm thủ tục ký tên, mượn sách rườm rà”. Chia sẻ điều này, cô Phạm Thị Hiền Hoa, cán bộ thư viện, Trường ĐH Sư phạm TPHCM bày tỏ: “Quy định cho phép thư viện trường học chỉ mở cửa phục vụ vào giờ hành chính. Do đó, giờ thư viện mở cửa cũng là giờ học sinh đã lên lớp. Trong khi đó, nhu cầu đọc của các em đặc biệt tăng cao vào chiều, tối. Nhất là trước các kỳ thi, nhiều hôm hơn 7 giờ tối vẫn có em gõ cửa xin vào mượn tài liệu. Có hôm chúng tôi phải phục vụ đến hơn 9 giờ tối mới đáp ứng hết nhu cầu”. Nhưng với số lượng biên chế nhân viên có hạn, phụ cấp làm thêm ngoài giờ chưa có, khiến ngay cả những người tâm huyết nhất cũng không khỏi chao lòng. Việc mở cửa tăng thêm giờ phục vụ vì thế chưa thể thực hiện một cách thường xuyên và đồng đều ở tất cả các trường học.
Ngoài ra, theo quy định của ngành giáo dục, mỗi thư viện trường học phải trang bị ít nhất một máy vi tính kết nối internet phục vụ nhu cầu học tập, tra cứu tài liệu của sinh viên. Song trên thực tế, số thư viện có máy tính nối mạng chưa nhiều, dung lượng đường truyền thường xuyên gặp sự cố khiến đại bộ phận học sinh, sinh viên đến thư viện chỉ có thể đọc hoặc mượn tài liệu giấy. Điều này lý giải vì sao mô hình thư viện trường học đến nay vẫn còn kém sức thu hút. Một nguyên nhân khác được nhiều học sinh khối 12, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) thừa nhận là do hầu hết các đầu sách tham khảo hay, vừa mới xuất bản thư viện trường đều không có nên suốt cả năm học, các em chỉ đến thư viện vài lần đọc và mượn các loại sách, báo giải trí, hoàn toàn không phục vụ cho việc học. Riêng ở khối các trường ĐH đào tạo chuyên ngành về kỹ thuật, cô Trần Thị Thu Thủy, cán bộ quản lý thư viện, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nêu lên một bất cập khác: “Hầu hết các đầu sách phục vụ chuyên ngành thư viện trường đều không thiếu. Song nhiều lúc sinh viên có nhu cầu tìm đọc thêm các loại sách về văn hóa, nghệ thuật, thư viện trường lại không thể đáp ứng. Chúng tôi đã nhiều lần làm đề xuất xin lãnh đạo bổ sung thêm một số đầu sách trái chuyên ngành nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng do kinh phí có hạn…”.
Bất cập trong đầu tư, quản lý
Từ năm 2008, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay đổi tên là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã ban hành Thông tư số 26 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trong ngành văn hóa, thông tin. Theo đó, quy định phụ cấp độc hại đối với nhân viên thư viện là 2% thang bậc lương tối thiểu theo quy định của nhà nước. Ngoài ra, mỗi người làm công tác trong lĩnh vực thư viện còn được nhận trợ cấp 4.000 đồng/ngày, tính quy ra sữa. Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Đức, cán bộ quản lý, Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, trong điều kiện vật giá leo thang hiện nay, quy định nói trên đã trở nên hết sức lỗi thời. “Nếu như cách đây 4 năm, nhân viên thư viện được nhận mỗi ngày 1 hộp sữa thì nay gộp lại cả tuần may ra mới đủ hộp sữa”, ông Đức bày tỏ. Đó là chưa kể nguồn sống chủ yếu hiện nay của các thư viện mới chỉ dựa vào tài trợ, quy định ngân sách chi cho hoạt động này gần như chưa có. Riêng đối với khu vực trường học, ông Phan Nhật Thanh, giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM quả quyết: “Hiện nay chưa có bất kỳ quy định nhà nước nào về cơ chế hoạt động tài chính dành riêng cho khối ngành thư viện. Từ đó dẫn đến hệ quả mỗi nơi làm một kiểu, phụ thuộc hoàn toàn vào vị trí của người đứng đầu”. Dẫn chứng điều này, ông Trần Thanh Xuân, cán bộ Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết, bản thân ông từng đi thực tế ở nhiều trường ĐH trên cả nước. Những nơi có nguồn viện trợ nước ngoài tốt như ĐH Cần Thơ, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, hoạt động thư viện hết sức nổi bật và hiệu quả. Song, ngay tại nhiều trường ĐH lớn ở TPHCM, thư viện hoạt động còn manh mún, phụ cấp độc hại cho nhân viên nơi có nơi không, mỗi khi muốn mua thêm tài liệu, nhân viên phải gõ cửa khắp nơi xin nguồn tài trợ.
Do đó, tại buổi hội thảo góp ý dự án Luật Thư viện do Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức vừa qua tại TPHCM, nhiều đại biểu kiến nghị đã đến lúc cần cụ thể hóa các nguồn kinh phí hoạt động dành cho khối ngành thư viện, trong đó yêu cầu quy định số lượng biên chế nhân sự rõ ràng, thực hiện đồng đều chế độ phụ cấp để cán bộ, nhân viên yên tâm công tác. Song, trước khi Luật Thư viện được chính thức ban hành, xem ra vẫn còn rất nhiều điều cần làm để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của thư viện trong các trường học.
Thu Tâm